Thuế là gì? Tại sao lại có thuế? Thuế xuất hiện từ khi nào và tại sao chúng ta lại phải đóng thuế? Tất cả những câu hỏi xoay quanh từ thuế sẽ được giải đáp tại bài viết ngày hôm nay của Tri thức Luật. Cùng giải đáp từng câu ngay nhé!
Trước khi có được một khái niệm chính xác và phù hợp nhất với giai đoạn hiện nay, chúng ta cần tìm hiểu qua về nguồn gốc hay còn gọi là thuế ra đời từ khi nào cũng những bản chất cơ bản nhất của thuế là gì. Sau đó, từng khái niệm về thuế sẽ trở nên sáng tỏ, rõ ràng hơn.
Nội dung bài viết
1. Thuế ra đời khi nào? Tại sao lại xuất hiện thuế?
Theo quan điểm Khế ước xã hội thì thuế là một sự thỏa thuận, một giá trị của các dịch vụ mà người mỗi người dân có thể được hưởng từ Chính phủ cung cấp. Theo đó thì các cá nhân sẽ cùng san sẻ một phần lợi ích của mình cho nhà nước. Và để đáp lại đó thì nhà nước sẽ cung cấp, đảm bảo cho người dân các dịch vụ công.
Tuy nhiên, quan điểm này còn bị hạn chế ở một điểm chính là “thuế là một sự thỏa thuận”. Tại sao lại nói đây là điểm hạn chế của quan điểm này? Bởi vì nếu nói khái niệm về thuế là một thỏa thuận, vậy có nghĩa rằng người dân có thể không đóng thuế. Và khi người dân không đóng thuế, chắc chắn hệ thống nhà nước sẽ bị sụp đổ ngay lập tức do không đủ nguồn lực tài chính.
Quan điểm về thuế là gì thứ 2 chính là quan điểm duy vật lịch sử. Theo đó thì khái niệm về thuế là nguồn lực giúp duy trì bộ máy nhà nước. Thuế là nguồn lực tài chính để nhà nước thực hiện chức năng điều hòa mối quan hệ xã hội; để xây dựng các công trình công cộng, thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người già, trẻ em,… Điều đó giúp thu hẹp khoảng cách giữa các tầng lớp, giai cấp trong xã hội.
Qua 2 quan điểm trên, có thể thấy thuế ra đời khi nhà nước được hình thành. Thuế sẽ giúp nhà nước thực hiện 2 nhiệm vụ chính như được nêu tại quan điểm thứ 2 là duy vật lịch sử.
2. Bản chất của thuế là gì?
Thuế có 3 bản chất cơ bản, cụ thể được giải thích như sau:
- Sự xuất hiện và phát triển gắn liền với mỗi giai đoạn lịch sử và lợi ích của nhà nước mà giai cấp thống trị đang cầm quyền. Điều này có thể hiểu rằng tại mỗi giai đoạn lịch sử với mỗi đặc trưng về kinh tế sẽ có những chính sách áp dụng thế khác nhau. Sẽ không có thời kỳ nào giống thời kỳ nào. Bên cạnh đó, dưới mỗi thời đại của từng giai cấp cũng sẽ có sự khác biệt thể hiện quyền lực của giai cấp đó.
- Bản chất của nhà nước sẽ quyết định bản chất của thuế. Như đã nói ở trên, sự xuất hiện và phát triển của thuế không chỉ gắn liền với mỗi giai đoạn lịch sử của nhà nước mà nó còn do bản chất của nhà nước quyết định. Điều này được thể hiện ở cách thức và phạm vi áp dụng thuế.
- Mang tính bắt buộc, đảm bảo bằng tính cưỡng chế. Tại sao việc đóng thuế lại mang tính bắt buộc? Bởi tâm lý mỗi cá nhân rất khó và đôi khi là chẳng muốn san sẻ lợi ích của mình với bất kỳ ai. Vậy nếu cá nhân không muốn san sẻ lợi ích của mình thông qua hình thức là đóng thuế thì nhà nước sẽ ra sao? Bởi vì nguồn lực tài chính ổn định và lớn nhất là từ thuế. Nếu không có thuế, hệ thống nhà nước sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
3. Khái niệm thuế là gì?
Sau khi ta đã hiểu được 2 quan điểm về thuế cũng như bản chất của nó, đứng ở nhiều góc độ khác nhau, chúng ta sẽ có những khái niệm khác nhau về thuế là gì?
Ví dụ như khi đứng dưới góc độ pháp lý, thuế là nghĩa vụ của mỗi công dân đối với nhà nước. Được thể hiện bằng pháp luật và thực thi bằng công cụ pháp luật. Tuy nhiên khi đứng dưới một góc độ khác, ta lại có một khái niệm về thuế hơi khác. Đó là thuế là sự động viên của công dân khi san sẻ một phần lợi ích của mình để nhà nước có thể tái đầu tư, xây dựng và tạo cơ hội giúp cho công dân có được nhiều lợi ích hơn.
3.1. Khái niệm
Và đây là khái niệm về thuế đầy đủ, chính xác, rõ ràng nhất.
“Thuế là khoản thu bắt buộc mang tính cưỡng chế bằng sức mạnh của nhà nước mà các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ phải nộp vào ngân sách nhà nước khi có đủ những điều kiện nhất định. Các khoản thu này không mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp cho người nộp thuế.”
Trong khái niệm trên, có thể thấy có 2 khái niệm mà chúng ta cần quan tâm. Đó chính là tính đối giá và hoàn trả trực tiếp. Chúng ta cùng phân tích 2 khái niệm đó ở phần tiếp theo.
3.2. Thuế không mang tính đối giá
Tính đối giá là gì? Tại sao thuế lại không mang tính đối giá? Tính đối giá có thể hiểu là sự ngang bằng về mặt giá trị. Khi xét về tính không đối giá của thuế, ta cần xét ở cả 2 góc độ.
- Thứ nhất, ở góc độ giữa những người đóng thuế với nhau. Tuy mỗi cá nhân đóng thuế với các khoản không như nhau nhưng khi được hưởng các khoản đáp trả từ nhà nước thông qua các chính sách, các dịch vụ công thì ai cũng sẽ được hưởng lợi ích như nhau. Mặt khác, mỗi cá nhân đều đóng thuế nhưng không phải cá nhân nào cũng được hưởng những lợi ích mà nhà nước đáp trả lại. Như vậy, có thể nói rằng thuế sẽ không có tính đối giá khi lợi ích mà các cá nhân được đáp trả lại không bằng nhau.
- Thứ hai, ở góc độ giữa thuế đã đóng và lợi ích mà cá nhân được nhận lại. Tại sao lại nói giữa lợi ích mà cá nhân san sẻ lại cho nhà nước không ngang bằng với lợi ích mà cá nhân được nhận lại? Điều này có thể hiểu là so với mức thuế mà cá nhân đã đóng cho nhà nước có trị giá lớn hơn hoặc nhỏ hơn nhiều so với những gì mà cá nhân đó được hưởng. Ví dụ một cá nhân có mức thuế thu nhập cá nhân nộp cho ngân sách nhà nước hằng năm vài chục triệu đồng hay một cá nhân một năm chỉ đóng thuế vài triệu đồng đều hưởng một chính sách, 1 dịch vụ công miễn phí như nhau. Không phân biệt cá nhân đóng nhiều hay ít thuế hơn mà có sự ưu tiên khi được hưởng các chính sách của nhà nước.
3.3. Thuế không hoàn trả trực tiếp
Không hoàn trả trực tiếp là một đặc điểm của thuế. Trên thực tế, khi bạn trả tiền sẽ đổi lại được 1 chiếc bánh, đó là tính hoàn trả trực tiếp. Nhưng đối với thuế thì lại khác, khi bạn đóng thuế không có nghĩa là bạn sẽ được nhận lại ngay một lợi ích nào đó. Mà thông qua các dịch vụ công như việc sử dụng cầu đường, công viên,… hoặc được hưởng các chính sách đặc biệt từ nhà nước chính là sự hoàn trả lợi ích từ việc đóng thuế một cách gián tiếp.
Đôi khi, bạn cũng sẽ không nhân lại được lợi ích từ nhà nước, điều đó là việc hết sức bình thường. Và chắc chắn bạn vẫn bắt buộc phải đóng thuế nếu đủ điều kiện theo luật định. Bạn không thể không đóng thuế chỉ vì bạn cho rằng mình không cần lợi ích hoàn trả từ nhà nước. Như đã nói, thuế vẫn là điều bắt buộc của mỗi công dân và tổ chức.
4. Đặc điểm của thuế là gì?
Thuế có 5 đặc điểm, bao gồm:
- Là 1 hiện tượng xã hội
- Gắn liền với phạm trù của nhà nước
- Thuế do cơ quan quyền lực cao nhất ban hành là Quốc hội
- Không mang tính đối giá
- Không hoàn trả trực tiếp
5. Vai trò của thuế
- Là nguồn thu chủ yếu và thường xuyên cho ngân sách nhà nước. Tổng tiền thuế thu được mỗi năm chiếm đến hơn 80% tổng ngân sách. Chính vì vậy, thuế được xem là nguồn thu chính của ngân sách.
- Là công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Bằng cách thu thuế doanh nghiệp, thu thuế đối với các loại hàng hóa và dịch vụ có tính đặc biệt. Nhà nước sẽ điều tiết được nền kinh tế cho phù hợp với mục tiêu phát triển của quốc gia.
- Góp phần điều tiết thu nhập, thực hiện công bằng xã hội. Với việc đánh thuế thu nhập cá nhân góp phần rút ngắn khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
6. Phân loại thuế
Dựa vào đối tượng chịu thuế và phương thức thu có 2 cách phân loại thuế, cụ thể như sau:
6.1. Theo đối tượng chịu thuế
Thuế thu vào hàng hóa, dịch vụ
- Thuế tiêu thụ đặc biệt
- Thuế xuất khẩu, nhập khẩu
- Thuế Bảo vệ môi trường
Thuế thu vào doanh nghiệp
- Thuế thu nhập doanh nghiệp
- Thuế thu nhập cá nhân
6.2. Theo phương thức thu thuế
Thuế gián thu
- Thuế xuất khẩu, nhập khẩu
- Thuế tiêu thụ đặc biệt
- Thuế giá trị gia tăng
- Thuế Bảo vệ môi trường
Thuế trực thu
- Thuế thu nhập doanh nghiệp
- Thuế thu nhập cá nhân
Trên đây là tất cả những nội dung liên quan đến thuế là gì. Hy vọng bài viết đã làm sáng tỏ được khái niệm thuế, giúp bạn có cái nhìn sâu hơn về thuế. Mỗi quy định, mỗi sắc thuế khi được ban hành đều có lý do và mục đích riêng của nó. Việc hiểu sâu hơn về các quy định này sẽ giúp bạn nắm được cách quản lý của nhà nước. Hãy theo dõi những bài viết tiếp theo để hiểu hơn về các quy định của pháp luật nhé!