Thuế thu nhập cá nhân là gì? Cách tính thuế thu nhập chi tiết

thuế thu nhập cá nhân là gì

Mỗi cá nhân được hưởng các khoản phúc lợi xã hội từ nhà nước phần lớn là do khoản ngân sách từ việc đóng thuế thu nhập bao gồm cả thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Vậy thì thuế thu nhập cá nhân là gì? Làm thế nào để tính chính xác thuế thu nhập cá nhân cần nộp cho nhà nước là bao nhiêu? Hãy đọc bài viết dưới đây, trithucluat sẽ giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến thuế thu nhập cá nhân của bạn.

1. Thuế thu nhập cá nhân là gì?

Thuế thu nhập cá nhân hay thuế TNCN là một khoản tiền được trích từ tiền lương hoặc cả từ các nguồn thu khác của người có thu nhập nộp vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, không phải ai có thu nhập cũng bắt buộc phải nộp thuế thu nhập cá nhân và số tiền thuế mà mỗi người đóng cũng sẽ khác nhau.

2. Cách tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định mới nhất

Cách tính thuế thu nhập cá nhân đúng nhất hiện nay sẽ dựa vào Bộ luật lao động 2019, Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, bổ sung 2012 cùng với một số Nghị quyết, Thông tư khác như Thông tư 111/2013/TT-BTC, Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14,…

Tại các văn bản và luật trên đã có quy định công thức tính thuế TNCN rõ ràng. Tuy nhiên, để hiểu công thức và áp dụng tính được chính xác mức thuế TNCN cần đóng thì bạn cần phải nắm rõ các khái niệm sau:

thuế thu nhập cá nhân là gì
Thuế TNCN được quy định như thế nào?

2.1. Thu nhập chịu thuế 

Thu nhập chịu thuế là tổng mức thu nhập của bạn do tổ chức chi trả trừ đi các khoản được miễn. Các khoản được miễn bao gồm: tiền ăn; phụ cấp xăng, xe, đi lại; phụ cấp điện thoai; phụ cấp trang phục; thu nhập từ tiền lương, tiền công làm việc vào ban đêm hay làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc vào ban ngày, làm việc trong giờ; tiền công tác phí,…

2.2. Thu nhập tính thuế 

Thu nhập tính thuế là gì? Thu nhập tính thuế là khoản bằng với thu nhập chịu thuế trừ đi các khoản giảm trừ. Trong đo, các khoản giảm trừ bao gồm: 

  • Giảm trừ cho bản thân của người nộp thuế thu nhập cá nhân là 11 triệu đồng trên tháng;  
  • Giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc người nộp thuế là 4,4 triệu đồng/người/tháng (nếu người nộp thuế TNCN có bao nhiêu người phụ thuộc thì sẽ nhân 4,4 triệu với bấy nhiêu người phụ thuộc); 
  • Bảo hiểm bắt buộc, quỹ hưu trí tự nguyện;
  • Khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo hoặc khuyến học.

Bạn cần phân biệt khoản được miễn và khoản giảm trừ để tính đúng nhé. Theo đó, phần thu nhập tính thuế sẽ là căn cứ để xác định mức thuế suất từ đó tính ra được số thuế thu nhập cá nhân bạn cần phải đóng là bao nhiêu.

2.3. Thuế suất 

Thuế suất chính là mức % tương ứng với từng mức thu nhập tính thuế. Hiện tại có 7 mức, nguyên tắc để áp dụng thuế suất chính là nguyên tắc lũy tiến. Dưới đây là 7 mức thuế suất dựa vào văn bản quy định mới nhất và hướng dẫn cách áp dụng nguyên tắc lũy tiến.

Biểu lũy tiến từng phần của thuế suất như sau:

Bậc Thu nhập tính thuế/tháng Thuế suất Tính số thuế phải nộp
Cách 1 Cách 2
1 Đến 05 triệu đồng (trđ) 5% 0 trđ +5% TNTT (thu nhập tính thuế) 5% TNTT
2 Trên 05 trđ đến 10 trđ 10% 0,25 trđ + 10% TNTT trên 5 trđ 10% TNTT – 0,25 trđ
3 Trên 10 trđ đến 18 trđ 15% 0,75 trđ + 15% TNTT trên 10 trđ 15% TNTT – 0,75 trđ
4 Trên 18 trđ đến 32 trđ 20% 1,95 trđ + 20% TNTT trên 18 trđ 20% TNTT – 1,65 trđ
5 Trên 32 trđ đến 52 trđ 25% 4,75 trđ + 25% TNTT trên 32 trđ 25% TNTT – 3,25 trđ
6 Trên 52 trđ đến 80 trđ 30% 9,75 trđ + 30% TNTT trên 52 trđ 30% TNTT – 5,85 trđ
7 Trên 80 trđ 35% 18,15 trđ + 35% TNTT trên 80 trđ 35% TNTT – 9,85 trđ

Ghi chú: TNTT là viết tắt của thu nhập tính thuế.

Sau khi đã nắm rõ các khái niệm trên, bạn chỉ cần nhìn vào bảng lương của mình và đưa vào công thức này là sẽ biết được số tiền thuế thu nhập cá nhân mà bạn cần phải nộp là bao nhiêu. Đến giờ thì bạn đã biết thuế thu nhập cá nhân là gì rồi đúng không. Tiếp theo chúng ta sẽ cùng tìm hiểu công thức tính thuế thu nhập cá nhân là gì nhé.

2.4. Công thức tính thuế thu nhập cá nhân

Công thức tính thuế TNCN sẽ có sự khác nhau tùy vào từng đối tượng, được chia làm 2 trường hợp cụ thể là cá nhân là người Việt Nam, đang làm việc tại Việt Nam và trường hợp cá nhân là người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam.

thuế thu nhập cá nhân là gì
Công thức tính thuế TNCN là gì?

Ở trường hợp cá nhân là người Việt Nam đang làm việc tại Việt Nam:

  • Đối với người có hợp đồng lao động trên 03 tháng: Ta sẽ áp dụng công thức tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến từng phần,

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất 

  • Đối với người có hợp đồng lao động dưới 03 tháng: Ta sẽ áp dụng thuế suất theo biểu toàn phần nhân, hay khấu trừ 10% trên tổng thu nhập

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x 10%

Ở trường hợp cá nhân là người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam:

  • Đối với cá nhân có cư trú sẽ áp dụng theo cách tính thuế như trường hợp là cá nhân là người Việt Nam đang làm việc tại Việt Nam.
  • Đối với cá nhân không có cư trú sẽ bị khấu trừ mức thuế là 20% tổng thu nhập.

3. Tóm gọn các bước giúp bạn tính thuế TNCN nhanh chóng

  • Bước 1: Xác định xem cá nhân cần tính thuế TNCN có hợp đồng lao động hay không và hợp đồng trên 3 tháng hay dưới 3 tháng. Tiếp đó sẽ xem cá nhân là người Việt Nam hay nước ngoài, nếu là người nước ngoài thì có cư trú hay không.
  • Bước 2: Tính thu nhập chịu thuế.
  • Bước 3: Tính thu nhập tính thuế.
  • Bước 4: Áp dụng đúng công thức cho từng trường hợp.

Ví dụ thực tế cho cách tính thuế TNCN: Công ty TNHH Chế biến thực phẩm X ký hợp đồng lao động 1 năm với chị Nguyễn Thị Hoa. Trong tháng 6/2021 có phát sinh trả tiền lương lương, thưởng như sau:

-Lương cứng: 22.000.000 đồng (1)

-Tiền thưởng doanh số: 5.000.000 đồng (2)

-Phụ cấp tiền đi lại: 300.000 đồng (3)

-Phụ cấp ăn trưa: 800.000 đồng (4)

-Trích các khoản Bảo hiểm: 22.000.000 * 10,5% = 2.310.000 đồng (5)

Chị Hoa có đăng ký 1 người con phụ thuộc tại công ty.

Cách tính:

Bước 1: Chị Hoa là người Việt Nam và có ký hợp đồng lao động trên 3 tháng với công ty.

Bước 2: Tính thu nhập chịu thuế

Ta có Tổng thu nhập của chị Hoa  = (1)+(2)+(3)+(4)= 28.100.000 đồng (6)

=> Thu nhập chịu thuế của chị Hoa = Tổng các khoản thu nhập – Các khoản được miễn

          = (6) – (4) = 27.300.000 đồng (7)

Bước 3: Tính thu nhập tính thuế

Các khoản giảm trừ của chị Hoa là:

-Giảm trừ gia cảnh bản thân là 11.000.000 đồng (8)

-Giảm trừ gia cảnh cho 1 người con phụ thuộc là 4.400.000 đồng (9)

-Bảo hiểm (5)

=> Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ = (7) – [(8) + (9) + (5)] = 9.590.000 đồng.

Bước 4: Áp dụng công thức. Theo bước 1 đã xác định thì công thức để tính thuế TNCN cho chị Hoa là:

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất 

Và thuế suất ở đây sẽ áp dụng biểu lũy tiến từng phần. Theo như biểu thuế suất thì phần thu nhập tính thuế của chị Hoa là 9.590.000 đồng sẽ thuộc bậc 2. Như vậy thuế thu nhập cá nhân mà chị Hoa phải đóng được tính theo 2 cách là:

  • Cách 1: Thuế TNCN = 250.000 + [10% * (9.590.000 – 5.000.000)] = 709.000 đồng
  • Cách 2: Thuế TNCN = (10% * 9.590.000) – 250.000 = 709.000 đồng.

4. Thuế thu nhập cá nhân khi bán đất, bán nhà tính như thế nào?

Đối với thuế thu nhập cá nhân do bán đất hoặc bán nhà sẽ có cách tính khác với thuế thu nhập cá nhân tính theo thu nhập hàng tháng. Cụ thể gồm có 3 trường hợp, các bạn xem cách tính dưới đây nhé.

thuế thu nhập cá nhân là gì
Cách tính thuế thu nhập cá nhân khi bán nhà

4.1. Trường hợp 1: Tính thuế thu nhập cá nhân khi bán đất (chuyển nhượng quyền sử dụng đất)

Để tính được thuế TNCN khi cá nhân bán đất chúng ta sẽ dựa trên giá bán đất (giá chuyển nhượng) và bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định cụ thể cho từng địa phương để xác định đúng cách tính thuế.

  • Nếu giá chuyển nhượng hay giá bán đất ghi trên hợp đồng cao hơn hoặc bằng giá đất tại bảng giá đất thì công thức tính như sau:

Thuế TNCN cần phải nộp = Giá bán (chuyển nhượng) đất * 2%

  • Nếu giá bán (chuyển nhượng) đất thấp hơn so với bảng giá đất hoặc trên hợp đồng không ghi giá thì công thức như sau:

Thuế TNCN cần phải nộp = Giá tại bảng giá đất * 2%

4.2. Trường hợp 2: Tính thuế TNCN khi bán (chuyển nhượng) cả nhà và đất

Ở trường hợp này, cách tính thuế TNCN của cá nhân khi bán (chuyển nhượng) sẽ tương tự như trường hợp 1.

4.3. Trường hợp 3: Tính thuế TNCN khi bán (chuyển nhượng) nhà không có đất

Khi bán (chuyển nhượng) nhà gắn liền với đất thì phần giá trị nhà, kết cấu hạ tầng và công trình kiến trúc gắn liền với đất sẽ được xác định theo giá tính lệ phí trước bạ nhà do UBND cấp tỉnh quy định. Cách tính như sau:

  • Giá nhà tại hợp đồng cao hơn hoặc bằng giá do UBND cấp tỉnh ban hành thì cách tính:

Thuế TNCN cần phải nộp = Giá bán (chuyển nhượng) * 2%

  • Nếu giá bán (chuyển nhượng) nhà thấp hơn so với giá của UBND quy định thì tính theo công thức:

Thuế TNCN cần phải nộp =  (Diện tích x Giá 01m2 x Tỷ lệ % chất lượng còn lại) * 2%

Trong đó: 

  • Giá chuyển nhượng đối với nhà là giá do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm kê khai thuế thu nhập cá nhân (giá 01m2 do UBND cấp tỉnh quy định và có sự khác nhau giữa các tỉnh trong nước)
  • Tỷ lệ % chất lượng còn lại cũng do UBND cấp tỉnh ban hành (được khấu trừ theo thời gian)
thuế thu nhập cá nhân là gì
Nên lưu ý gì khi tính thuế TNCN

Một số lưu ý:

Nếu UBND cấp tỉnh không có quy định giá tính lệ phí trước bạ nhà thì sẽ dựa vào quy định của Bộ Xây dựng về phân loại nhà, về tiêu chuẩn, định mức xây dựng cơ bản, về giá trị còn lại thực tế của công trình trên đất.

Đối với các công trình xây dựng hình thành trong tương lai, trường hợp trong hợp đồng không ghi giá bán (chuyển nhượng) hoặc giá chuyển nhượng thấp hơn tỷ lệ góp vốn trên tổng giá trị hợp đồng nhân với giá đất và giá tính lệ phí trước bạ công trình xây dựng do UBND cấp tỉnh quy định thì giá chuyển nhượng được xác định theo giá UBND với tỷ lệ góp vốn trên tổng giá trị hợp đồng. Trường hợp UBND cấp tỉnh chưa có quy định về đơn giá thì sẽ áp dụng theo suất vốn đầu tư xây dựng công trình do Bộ Xây dựng công bố và đang áp dụng tại thời điểm bán (chuyển nhượng).

Bài viết trên đây đã trình bày các vấn đề liên quan đến thuế thu nhập cá nhân là gì cũng như đưa ra đầy đủ các công thức cùng ví dụ chi tiết dễ hiểu. Hãy theo dõi và tích góp những kiến thức hữu ích khác trong lĩnh vực đời sống liên quan đến pháp luật khác của Tri thức Luật ở những bài tiếp theo nhé!