Quan hệ pháp luật là gì? Phân loại quan hệ pháp luật

quan hệ pháp luật

Trong đời sống ngày nay các mối quan hệ xã hội ngày càng nhiều và một trong số đó là quan hệ pháp luật. Vậy quan hệ pháp luật là gì? Có những quan hệ pháp luật nào? Bài viết sau đây, trithucluat.com sẽ giải quyết thắc mắc cho bạn.

1. Khái niệm quan hệ pháp luật

1.1. Khái niệm

Đầu tiên, có thể hiểu quan hệ pháp luật cũng là những quan hệ xã hội, chúng phản ánh mối liên hệ giữa con người với con người trong các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, các quan hệ xã hội rất đa dạng và phức tạp, mỗi loại quan hệ xã hội lại được điều chỉnh bởi nhiều quy tắc như đạo đức, tập quán, tín ngưỡng,…

Tuy nhiên, quan hệ pháp luật khác với những quan hệ xã hội khác ở việc quan hệ pháp luật được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật khác nhau như luật hành chính, bộ luật dân sự… Hay nói cách khác quan hệ xã hội được xác lập, phát triển, tồn tại hay chấm dứt dựa trên quy định của pháp luật được xem là quan hệ pháp luật. Mục đích của việc kiểm soát các quan hệ pháp luật là vì những sự vận hành của các quan hệ này có ảnh hưởng đến sự ổn định của và phát triển của đời sống xã hội.

1.2. Quan hệ pháp luật có những đặc điểm sau

  • Quan hệ pháp luật là quan hệ có tính ý chí
  • Quan hệ pháp luật có cơ cấu chủ thể nhất định (Ví dụ: Chủ thể trong quan hệ pháp luật hôn nhân là cá nhân nhưng đối với nam phải từ 20 tuổi, đối với nữ phải từ đủ 18 tuổi)
  • Quan hệ pháp luật có nội dung là quyền và nghĩa vụ pháp lý của chủ thể
  • Quan hệ pháp luật được nhà nước đảm bảo thực hiện

1.3. Phân loại quan hệ pháp luật

Căn cứ vào tiêu chí phân chia các ngành luật, quan pháp luật được phân chia như sau: quan hệ pháp luật dân sự, quan hệ pháp luật hành chính, quan hệ pháp luật hình sự,…

Căn cứ vào nội dung, quan hệ hệ pháp luật được phân chia thành: quan hệ pháp luật nội dung, quan hệ pháp luật hình thức.

  • Quan hệ pháp luật nội dung chứa đựng những nội dung cần điều chỉnh bằng pháp luật, ví dụ: quan hệ chia tài sản…
  • Quan hệ pháp luật hình thức là những quan hệ phát sinh trong quá trình chủ thể thực hiện những trình tự thủ tục để giải quyết các quan hệ pháp lý, ví dụ: quan hệ pháp luật tố tụng dân sự,…

2. Quan hệ pháp luật hành chính là gì?

Quan hệ pháp luật hành chính là một loại quan hệ xã hội được phát sinh trong quá trình quản lý của nhà nước. Được điều chỉnh bằng các văn bản luật, dưới luật tức là các quy phạm pháp luật của luật hành chính. 

quan hệ pháp luật
Quan hệ pháp luật hành chính

2.1. Đặc điểm của quan hệ pháp luật hành chính

  • Chủ thể tham gia bắt buộc phải có ít nhất một bên là chủ thể sử dụng quyền lực nhà nước.
  • Việc điều chỉnh bằng quy phạm pháp luật hành chính là nhằm đảm bảo lợi ích Nhà nước và các cá nhân, tổ chức trong xã hội.
  • Phần lớn các quan hệ hành chính đều giải quyết theo thủ tục hành chính
  • Thực hiện các quy định theo mệnh lệnh quyền uy-phục tùng.  

2.2. Phân loại quan hệ pháp luật hành chính

  • Các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực 
  • Các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động hành chính nội bộ của các cơ quan nhà nước và các tổ chức phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội.
  • Các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình các tổ chức, cá nhân được Nhà nước trao quyền thực hiện các hoạt động có tính chất quản lý nhà nước nhất định. 

2.3. Ví dụ

Quan hệ phát sinh giữa Ủy ban nhân dân Phường và người đến xin đăng ký khai sinh cho con của mình. Đây là mối quan hệ pháp luật hành chính thứ nhất ở mục 2.2 trên.

 3. Quan hệ pháp luật dân sự là gì?

quan hệ pháp luật
Quan hệ pháp luật dân sự

3.1. Đặc điểm của quan hệ pháp luật dân sự

Quan hệ pháp luật dân sự là những quan hệ tài sản và nhân thân được các quy phạm pháp luật dân sự (và các nguồn khác) điều chỉnh. Được nhà nước đảm bảo thực hiện cả về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia vào quan hệ này.

3.2. Phân loại quan hệ pháp luật dân sự

  • Căn cứ vào đối tượng: Quan hệ tài sản; Quan hệ nhân thân.
  • Căn cứ vào tính xác định về chủ thể: Quan hệ tuyệt đối; Quan hệ tương đối.
  • Căn cứ vào cách thức thực hiện quyền để thỏa mãn lợi ích của các chủ thể:Quan hệ vật quyền; Quan hệ trái quyền.
  • Căn cứ vào phạm vi quyền hoặc là phạm vi nghĩa vụ của các chủ thể: Quan hệ đơn giản; Quan hệ phức tạp.

3.3. Ví dụ

Quan hệ giữa người bán đất và người mua đất, quan hệ tài sản giữa cha mẹ, con cái…

4. Quan hệ pháp luật tố tụng hình sự là gì?

quan hệ pháp luật
Lấy lời khai người làm chứng cũng là quan hệ pháp luật tố tụng hình sự

Quan hệ pháp luật tố tụng hình sự có thể hiểu đó là một trong những quan hệ xã hội hình thành trong quá trình tố tụng. Đồng thời được các quy phạm pháp luật điều chỉnh như bộ luật tố tụng hình sự năm 2015… điều chỉnh, trong đó quyền và nghĩa vụ của các chủ thể sẽ được pháp luật quy định và đảm bảo thực hiện  

Ví dụ : Cơ quan điều tra tiến hành khởi tố bị can, triệu tập người làm chứng để lấy chứng cứ để lấy chứng cứ…

5. Quan hệ pháp luật tranh chấp là gì?

Quan hệ pháp luật tranh chấp là quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp được quy phạm pháp luật điều chỉnh.

Ví dụ: Tranh chấp về thừa kế, tranh chấp đất đai,…

Hy vọng bài viết trên sẽ giải đáp các thắc mắc về thế nào là quan hệ pháp luật và có những quan hệ pháp luật nào? Đặc biệt là các bạn sinh viên đang theo học luật cần hiểu rõ để có thể tiếp thu kiến thức chuyên sâu về ngành luật.