Những điều kiện thành lập doanh nghiệp bắt buộc

điều kiện thành lập doanh nghiệp

1. Điều kiện thành lập doanh nghiệp là gì?

Điều kiện thành lập doanh nghiệp là gì? Tại sao pháp luật lại có những quy định về việc các cá nhân hay tổ chức khi muốn thành lập một doanh nghiệp bắt buộc phải thỏa mãn đủ các điều kiện đó?

Dựa trên rất nhiều các nguyên nhân mà pháp luật phải đặt ra các điều kiện bắt buộc các cá nhân, tổ chức phải đáp ứng đầy đủ mới có thể đăng ký thành lập doanh nghiệp. Mỗi một doanh nghiệp xuất hiện trên thị trường tạo ra nhiều sự ảnh hưởng không chỉ về mặt cạnh tranh trong các hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng đến nền kinh tế mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều các quan hệ xã hội khác chịu sự quản lý, điều chỉnh của pháp luật.

Mặt khác, để tránh trường hợp thành lập doanh nghiệp ồ ạt cũng như tránh các trường hợp để các chủ thể đặc biệt thành lập doanh nghiệp để kiếm lợi nhuận tạo ra các hệ quả tiêu cực, thì việc đặt ra các điều kiện cụ thể sẽ giúp nhà nước dễ dàng quản lý và mang lại hiệu quả tốt hơn.

Như vậy, có thể hiểu các điều kiện thành lập doanh nghiệp chính là những quy tắc do nhà nước đặt ra đối với các tổ chức, cá nhân để hạn chế các hệ quả tiêu cực khi thành lập doanh nghiệp.

điều kiện thành lập doanh nghiệp
Điều kiện thành lập doanh nghiệp

2. 6 điều kiện thành lập doanh nghiệp cập nhật theo Luật mới nhất

Về các điều kiện để thành lập doanh nghiệp mà các cá nhân, tổ chức bắt buộc phải đáp ứng đã được quy định cụ thể tại Luật Doanh nghiệp 2020. Có thể liệt kê dễ hiểu thành 6 điều kiện như sau:

2.1. Điều kiện về chủ thể

Chủ thể có thể đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam có thể là cá nhân, tổ chức Việt Nam, cá nhân là người nước ngoài định cư ở Việt Nam, thương nhân có quốc tịch nước ngoài thuộc thành viên WTO. Tuy nhiên, tại Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định các chủ thể không được thành lập doanh nghiệp bao gồm:

  1. Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình.
  2. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức
  3. Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước,
  4. Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác; đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân.
  5. Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng. Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.
  6. Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Nếu thuộc 1 trong 6 trường hợp liệt kê trên thì sẽ không thỏa điều kiện về chủ thể khi thành lập doanh nghiệp.

điều kiện thành lập doanh nghiệp
Điều kiện về chủ thể

2.2. Điều kiện về ngành, nghề đăng ký kinh doanh

Tại điểm a khoản 1 Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định rõ điều kiện để doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chính là không kinh doanh ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh. Về các ngành, nghề bị cấm đầu tư, kinh doanh thì được quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư 2020. Nên lưu ý ở Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 mới đây đã có thêm 2 trường hợp cấm nâng tổng số ngành, nghề bị cấm đầu tư lên 8 trường hợp. Cụ thể như sau:

  1. Kinh doanh dịch vụ đòi nợ (quy định mới)
  2. Kinh doanh các chất ma túy
  3. Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật
  4. Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên
  5. Kinh doanh mại dâm
  6. Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người
  7. Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người
  8. Kinh doanh pháo nổ.

Như vậy, nếu doanh nghiệp không kinh doanh các ngành, nghề trên thì sẽ đảm bảo điều kiện về ngành, nghề đăng ký kinh doanh.

2.3. Điều kiện về tên doanh nghiệp

Tại điểm b khoản 1 Điều 27 Luật Doanh nghiệp lại quy định về điều kiện tiếp theo sau điều kiện về ngành, nghề chính là tên doanh nghiệp. Tên của doanh nghiệp khi đăng ký doanh nghiệp cần phải thỏa mãn các quy định từ Điều 37 đến Điều 41 của Luật này. Một vài quy định khi đặt tên cho doanh nghiệp cần lưu ý như sau:

  1. Tên doanh nghiệp bao gồm 2 thành phần và theo thứ tự: Loại hình doanh nghiệp + Tên riêng.
  2. Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
  3. Không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký. Cụ thể xem thêm tại Điều 41.
  4. Không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
  5. Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
điều kiện thành lập doanh nghiệp
Lưu ý về cách đặt tên cho doanh nghiệp

2.4. Điều kiện về hồ sơ đăng ký

Điều kiện thành lập doanh nghiệp tiếp theo được quy định tại Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2020 chính là về hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp phải hợp lệ. Bộ hồ sơ đăng ký như thế nào gọi là hợp lệ được quy định tại khoản 20 Điều 4 Luật này. Tùy vào từng loại hình doanh nghiệp muốn đăng ký sẽ cần có các điều kiện riêng được nêu chi tiết từ Điều 19 đến Điều 22 của Luật này.

2.4.1. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tư nhân gồm:

  1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  2. Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.

2.4.2. Hồ sơ đăng ký công ty hợp danh gồm:

  1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  2. Điều lệ công ty.
  3. Danh sách thành viên.
  4. Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên.
  5. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

2.4.3. Hồ sơ đăng ký công ty trách nhiệm hữu hạn gồm:

  1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  2. Điều lệ công ty.
  3. Danh sách thành viên.
  4. Bản sao các giấy tờ sau đây:
    • Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;
    • Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức. Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
    • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.
điều kiện thành lập doanh nghiệp
Điều kiện về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp như thế nào?

2.4.4. Hồ sơ đăng ký công ty cổ phần gồm

  1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  2. Điều lệ công ty.
  3. Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.
  4. Bản sao các giấy tờ sau đây:
    • Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;
    • Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với cổ đông là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức. Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
    • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

2.5. Điều kiện về trụ sở chính

Một điều kiện nữa khi đăng ký thành lập doanh nghiệp cần có là trụ sở. Về trụ ở của doanh nghiệp được quy định tại Điều 42 của Luật Doanh nghiệp 2020. Theo đó, trụ sở chính của doanh nghiệp được đặt trên lãnh thổ của Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính. Trụ sở chính có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

điều kiện thành lập doanh nghiệp
Điều kiện về trụ sở của doanh nghiệp

2.6. Điều kiện về phí, lệ phí

Khi muốn đăng ký thành lập doanh nghiệp cũng cần phải tốn các khoản gọi là lệ phí. Được quy định tại Điều 32 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp phải nộp phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm nộp hồ sơ thành lập công ty. Lệ phí đăng ký thành lập doanh nghiệp theo Thông tư 47/2019/TT-BTC là 200.000 đồng.

Trên đây là tất cả những điều kiện cơ bản mà các cá nhân hay tổ chức cần phải lưu ý khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Hi vọng bạn đã nắm được những quy định của Luật Doanh nghiệp cũng như các quy định khác có liên quan trong vấn đề điều kiện thành lập doanh nghiệp.