Vẫn còn rất nhiều người cho rằng học luật ra trường nhất định phải làm luật sư. Đây là suy nghĩ chưa chính xác. Cầm trên tay tấm bằng cử nhân luật hay nói cách khác là học luật ra làm gì? Có nhất thiết cử nhân luật phải làm luật sư? Bài viết sau đây, trithucluat.com sẽ chia sẻ cho bạn đọc về vô vàn cơ hội rộng mở của ngành luật.
Nội dung bài viết
1. Ngành luật là gì?
Trước khi bắt đầu tìm hiểu học luật ra làm gì, các bạn cần phải phân biệt rõ được 2 khái niệm ngành luật và nghề luật. Ngành luật là gì? Trên thực tế có rất nhiều người nhầm lẫn ngành luật và nghề luật là như nhau, nhưng thực chất thì 2 từ này lại có ý nghĩa khác nhau hoàn toàn.
- Ngành luật: Là 1 đơn vị cấu trúc nên hệ thống pháp luật, bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh một loại quan hệ xã hội có cùng tính chất, cùng nội dung, thuộc một lĩnh vực đời sống xã hội nhất định. Ví dụ như mối quan hệ xã hội giữa nhà nước và người phạm tội phát sinh khi có hành vi phạm tội xảy ra sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Hình sự.
Một ví dụ khác là quan hệ nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Dân sự.
Chính vì vậy mà ngành luật được chia ra rất nhiều lĩnh vực như Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Hành chính, Luật Thương mại, Luật Đất đai,…
12 ngành luật cơ bản trong hệ thống pháp luật Việt Nam là:- Luật Nhà nước (Constitutional Law)
- Luật Hành chính (Administrative Law)
- Luật Tài chính (Finance Law)
- Luật Đất đai (Land Law)
- Luật Dân sự (Civil Law)
- Luật Lao động (Labour Law)
- Luật Hôn nhân và gia đình (Marriage and Family Law)
- Luật Hình sự (Criminal Law)
- Luật Tố tụng hình sự (Criminal Proceduce Law)
- Luật Tố tụng dân sự (Civil Proceduce Law)
- Luật Kinh tế (Economic Law)
- Luật Quốc tế (International Law)
- Nghề luật: là một khái niệm có tính chất tương đối dùng để chỉ nghề nghiệp của những người có kiến thức về pháp luật và đang làm các công việc có liên quan đến pháp luật. Các công việc có thể kể đến như làm việc tại Tòa án, Văn phòng Luật sư, Văn phòng Công chứng, làm việc tại phòng Pháp chế của các Ngân hàng, doanh nghiệp,…
Như vậy, nếu bạn câu hỏi học luật ra làm gì phải hỏi chính xác là nghề luật bao gồm những công việc gì, những vị trí trong nghề luật mà bạn có thể định hướng sau khi học xong các ngành luật là gì.
2. Học luật ra làm gì? Cơ hội làm việc của ngành luật?
Hiện nay, nhiều bạn vẫn còn nghĩ rằng học luật ra trường chỉ có thể làm luật sư nhưng thật ra cơ hội làm việc đối với ngành luật là vô cùng rộng mở. Tốt nghiệp ngành luật sẽ có vô vàn sự lựa chọn để có thể ứng tuyển. Dựa vào sở thích, những điểm mạnh, điểm yếu của mình mà bạn có thể tự lựa chọn cho mình một công việc phù hợp. Một số vị trí mà 1 cử nhân Luật có thể theo đuổi là:
- Luật sư: Đây là lựa chọn và cũng là ước mơ của phần lớn những bạn theo đuổi ngành luật, tuy nhiên, để hành trình để trở thành Luật sư là không dễ dàng và đòi hỏi sự kiên trì cao. Để làm luật sư đòi hỏi bạn không chỉ có kiến thức về pháp luật vũng vàng mà còn phải có các kỹ năng về đàm phán, tranh tụng,…
- Pháp chế doanh nghiệp: Đây là vị trí vô cùng quan trọng của mỗi doanh nghiệp. Ở vai trò này, bạn không chỉ tư vấn pháp lý mà còn hỗ trợ quản lý, điều hành và thực hiện các công việc được phát sinh có liên quan đến pháp luật của doanh nghiệp như tư vấn về thuế, về hợp đồng,….
- Thư ký Tòa án: Với tấm bằng cử nhân Luật, bạn có thể thi tuyển vào vị trí Thư ký Tòa án theo quy định tại Điều 92 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014. Đây là công việc rất thích hợp dành cho các bạn nữ tốt nghiệp ngành luật.
- Thẩm phán: Ngoài các điều kiện khác, một người muốn làm thẩm phán phải có trình độ cử nhân luật trở lên. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể theo đuổi ước mơ trở thành thẩm phán nếu đã có bằng cử nhân luật.
- Công chứng viên: Với những bạn không thích làm việc với các quy định nhiều thì có thể xem xét công việc này.
- Kiểm sát viên hoặc Công tố viên
- Giảng viên ngành luật: Nếu bạn không thích sự ổn định và có khả năng sư phạm thì vị trí giảng viên cũng là một lựa chọn sáng suốt.
Theo trung tâm Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động thì nhân sự ngành luật vẫn tăng trong thời gian tới. Nhu cầu nguồn nhân lực về luật có thể lên đến 13.000 luật sư, 2.300 thẩm phán, 2.000 công chứng viên… Con số này vẫn sẽ tiếp tục tăng thêm trong bối cảnh Việt Nam ngày một hội nhập kinh tế quốc tế.
Vậy nên điều bạn cần quan tâm là trau dồi kiến thức, không ngừng phát triển bản thân. Đặc biệt với ngành luật đòi hỏi cao về kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng mềm và một thái độ làm việc chuyên nghiệp thì sẽ không cần phải lo lắng học luật ra làm gì nhé!
3. Học luật kinh tế ra làm gì?
Với tấm bằng cử nhân luật về chuyên ngành luật kinh tế, sinh viên có thể nhanh chóng, dễ dàng tìm được việc làm với một mức lương khá ổn định trên dưới 10 triệu đồng tại các tổ chức, doanh nghiệp…
Một số công việc khi học luật kinh tế như: Chuyên viên tư vấn pháp luật tại các doanh nghiệp và tổ chức hoạt động kinh tế (có thể làm tại ngân hàng, khu công nghiệp về mảng pháp luật), chuyên viên chịu trách nhiệm trong việc nghiên cứu lập pháp, hành pháp và tư pháp cho các cơ quan tổ chức nhà nước ở tất cả các cấp, ngoài ra có thể là giảng viên giảng dạy các kiến thức về pháp luật kinh tế tại các cơ sở giáo hoặc viện nghiên cứu,…
Trên thực tiễn, một sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường đều được đào tạo đầy đủ mọi kiến thức của các ngành luật. Sau đó tùy thuộc vào nguyện vọng của sinh viên mà chia thành các khoa để nghiên cứu và được đào tạo sâu hơn về 1 ngành luật cụ thể. Chính vì vậy, mặc dù tốt nghiệp với bằng Luật kinh tế, cử nhân luật kinh tế hoàn toàn có thể làm việc trong bất kỳ 1 lĩnh vực nào khác.
4. Cử nhân luật ra trường làm gì?
Cầm chắc trên tay tấm bằng cử nhân luật là một điều vô cùng quý giá bởi để đạt được nó sinh viên đã phải trải qua bao nhiêu là cực nhọc, ngày đêm trau dồi kiến thức. Vậy tấm bằng cử nhân luật có giá trị như thế nào cũng như tốt nghiệp ngành luật ra làm gì?
Việc học luật ra trường làm gì sẽ tùy thuộc vào khả năng, mục tiêu, sở thích của tùy mỗi người. Dựa vào các cơ hội đối với một cử nhân luật đã được đề cập ở phần 2, bạn nên xác định cho mình một đích đến xác định để lựa chọn hướng đi cho phù hợp.
Chẳng hạn như bạn muốn học luật ra trường làm luật sư, hành trình này cần thêm ít nhất là 2 năm nữa với 12 tháng tham gia khóa đào tạo nghề Luật sư và 12 tháng tập sự tại văn phòng luật. Từ đó, bạn cần lập cho mình một kế hoạch cụ thể, chi tiết để đi đến đích nhanh nhất.
5. Học luật ra trường có làm công an được không?
Học luật ra trường có làm công an được không? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy tham khảo Luật Công an nhân dân cụ thể tại Điều 7 như sau:
“Điều 7. Tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân
1. Công dân có đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ, sức khỏe, độ tuổi và năng khiếu phù hợp với công tác công an, có nguyện vọng và Công an nhân dân có nhu cầu thì có thể được tuyển chọn vào Công an nhân dân.
2. Công an nhân dân được ưu tiên tuyển chọn sinh viên, học sinh xuất sắc tốt nghiệp ở các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ tiêu chuẩn để đào tạo, bổ sung vào Công an nhân dân.
3. Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết Điều này.”
Như vậy, có thể thấy rằng tiêu chí để tuyển chọn vào ngành Công an không yêu cầu công dân phải đạt trình độ là cử nhân Luật. Chỉ cần công dân thỏa các tiêu chí tại khoản 1 là sẽ có cơ hội được trở thành Công an.
6. Học luật có dễ xin việc không?
Vấn đề quan trọng nhất sau khi học xong chính là tìm được một công việc phù hợp. Bất cứ ai khi tốt nghiệp cũng hy vọng tìm được một công việc đúng với chuyên ngành với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, theo thống kê thì con số sinh viên tìm được công việc đúng ngành đang rất thấp vì mức độ cạnh tranh rất cao. Nhưng đó là thống kê chung, riêng đối với ngành luật số lượng sinh viên sau tốt nghiệp vẫn đi đúng ngành rất khả quan.
Đặc biệt, theo thống kê hằng năm của trường Đại học Luật, số lượng cựu sinh viên hiện đang công tác, làm việc thuộc các tổ chức, cơ quan hành nghề luật, có liên quan đến pháp luật lên đến 80%. Mặt khác, số lượng sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp chiếm hơn 90%. Điều này có thể cho thấy nhu cầu hiện nay trong ngành luật vẫn đang ở mức cầu nhiều hơn cung. Mặt khác, cũng có thể thấy rằng năng lực của sinh viên ngành luật đang được đánh giá cao nên tỉ lệ sinh viên không có việc làm rất thấp.
Vậy để trả lời cho câu hỏi học luật có dễ xin việc không? Câu trả lời chắc bạn cũng đã hiểu rõ rồi nhé!
Mong rằng với những nội dung trên sẽ giải đáp được các thắc mắc của mọi người. Đặc biệt là tiếp thêm sức mạnh, tăng thêm động lực đối với các bạn sinh viên đã, đang và sẽ theo đuổi con đường học tập về ngành luật. Chúc các bạn thành công trên con đường mà mình đã chọn!