Nhu cầu về hàng hóa của con người được chia làm các cấp bậc khác nhau như hàng hóa thiết yếu, hàng hóa ít cần thiết và các loại hàng hóa đặc biệt. Vậy với các mặt hàng như xe ô tô 4 chỗ, rượu, bia, thuốc lá,… sẽ được xem là loại hàng hóa không cần thiết. Chúng sẽ được điều tiết bằng loại thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về khái niệm thuế tiêu thụ đặc biệt là gì cũng như các mức thuế suất cụ thể nhé!
Nội dung bài viết
1. Thuế tiêu thụ đặc biệt là gì?
1.1. Khái niệm
Thuế tiêu thụ đặc biệt hay thuế TTĐB là một loại thuế gián thu, thu trực tiếp vào hành vi sản xuất, nhập khẩu các loại hàng hóa thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Và hành vi kinh doanh các dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
1.2. Đặc điểm
- Thứ nhất, đối tượng chịu thuế TTĐB là hàng hóa, dịch vụ không thật cần thiết cho nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của con người. Và chúng có những tác hại nhất định đến người sử dụng, môi trường, xã hội. Ví dụ như rượu, bia, thuốc lá,… chúng không phải là thực phẩm cần thiết cho nhu cầu hằng ngày của con người. Việc không sử dụng bia, rượu sẽ không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe, mà ngược lại chúng có thể gây hại cho gan, thận.
- Đặc điểm thứ 2 của thuế TTĐB chính là chỉ điều tiết duy nhất 1 lần trong suốt quá trình lưu thông hàng hóa, dịch vụ. (Nếu hàng hóa, dịch vụ không bị thay đổi về bản chất, tính năng của chúng.)
- Đặc điểm thứ 3, thuế TTĐB có đối tượng chịu thuế hẹp, thuế suất cao. Điều này có nghĩa là chỉ khi nào cá nhân hoặc tổ chức nào đó tác động đến các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB mới phải chịu thuế TTĐB. Mặt khác, các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc nhóm chịu thuế TTĐB là những loại hàng hóa, dịch vụ được nhà nước khuyến khích hạn chế tiêu dùng nên thuế suất sẽ cao hơn.
2. Mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt là gì?
Tại sao nhà nước lại đánh thuế TTĐB và còn đánh với mức thuế suất rất cao đối với 10 nhóm hàng hóa và 6 nhóm dịch vụ đặc biệt? Có 2 mục tiêu mà nhà nước đặt ra khi ban hành thuế TTĐB, đó chính là:
- Điều tiết thu nhập: Đây chính là mục tiêu chung của việc đánh thuế. Việc thu thuế một phần giúp nhà nước rút ngắn khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa các cá nhân. Các loại hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB bản chất là những thứ không cần thiết. Hầu hết chỉ có những người có thu nhập cao mới tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ này. Chính vì vậy mà nhà nước mới áp dụng thuế suất thuế TTĐB cho nó.
- Định hướng tiêu dùng: Các loại hàng hóa như rượu, bia, thuốc lá,… nếu sử dụng nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Kinh doanh các loại dịch vụ như jackpot, casino,.., sẽ dễ gây ra các tệ nạn xã hội xấu làm mất an ninh, trật tự công cộng. Và để hạn chế việc sử dụng các hàng hóa, dịch vụ trên, nhà nước mới đánh thuế TTĐB>
3. Vai trò của thuế tiêu thụ đặc biệt
Như phần đặc điểm và mục tiêu trên, chúng ta có thể rút ra được vai trò của thuế TTĐB như sau:
- Góp phần hướng dẫn tiêu dùng
- Điều tiết thu nhập và thực hiện công bằng xã hội
- Giúp nhà nước quản lý, điều tiết hàng hóa, dịch vụ nhạy cảm, tác động nhiều đến kinh tế – xã hội
4. Hàng hóa, dịch vụ nào là đối tượng chịu thuế TTĐB
Có tổng cộng là 10 loại hàng hóa và 6 nhóm dịch vụ là đối tượng chịu thuế TTĐB theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế TTĐB.
10 nhóm hàng hóa
- Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm.
- Rượu.
- Bia.
- Xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng. Đối với xe ô tô trên 24 chỗ sẽ không bị đánh thuế TTĐB.
- Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3. Các loại xe máy bình thường sẽ không chịu TTĐB.
- Tàu bay, du thuyền dùng cho mục đích cá nhân. Tàu thuyền dùng cho mục đích vận chuyển hành khách hoặc quân sự sẽ không phải đóng thuế TTĐB.
- Xăng các loại, nap-ta (naphtha), chế phẩm tái hợp (reformade component) và các chế phẩm khác để pha chế xăng.
- Điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống.
- Bài lá.
- Vàng mã, hàng mã.
Ở nhóm hàng hóa có một điểm cần lưu ý rằng chỉ những hàng hóa được sản xuất ra tại Việt Nam hoặc nhập khẩu vào Việt Nam mới phải chịu thuế TTĐB do nhà nước ban hành. Người nộp thuế TTĐB trong trường hợp này chính là cá nhân, tổ chức sản xuất hoặc nhập khẩu thuế TTĐB.
6 nhóm dịch vụ
- Kinh doanh vũ trường
- Kinh doanh mát-xa (massage), ka-ra-ô-kê (karaoke)
- Kinh doanh ca-si-nô (casino); trò chơi điện tử có thưởng bao gồm trò chơi bằng máy giắc-pót (jackpot), máy sờ-lot (slot) và các loại máy tương tự
- Kinh doanh đặt cược
- Kinh doanh gôn (golf) bao gồm bán thẻ hội viên, vé chơi gôn
- Kinh doanh xổ số
Người nộp thuế TTĐB trong trường hợp này chính là các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ kể trên.
5. Cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt
Dựa vào quy định của Luật thuế TTĐB, chúng ta có công thức chung như sau:
Số thuế TTĐB cần nộp = Giá tính thuế TTĐB * Thuế suất thuế TTĐB
Trong đó thì Giá tính thuế TTĐB là giá chưa có thuế TTĐB và được xác định theo các trường hợp:
- Trường hợp đối với hàng hóa, dịch vụ sản xuất, nhập khẩu: Là giá do nhà sản xuất, nhập khẩu bán ra (đã gồm thuế nhập khẩu và chưa có thuế GTGT, BVMT). Ví dụ khi nhập khẩu 1000 thùng bia từ Thái Lan, người nhập khẩu sẽ phải đóng thuế nhập khẩu cho lô hàng. Sau đó, sẽ lấy tổng giá trị lô hàng cộng với thuế nhập khẩu sẽ ra giá tính thuế TTĐB cho lô hàng. Tiếp đến chỉ cần lấy giá này nhân với thuế suất thuế TTĐB tương ứng sẽ ra số thuế TTĐB cần nộp.
- Trường hợp đối với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu tại khâu nhập khẩu: Bằng giá tính thuế nhập khẩu + thuế nhập khẩu. (Trường hợp cách tính có phần phức tạp, hãy xem ở ví dụ nhập khẩu xe ô tô bên dưới để nắm rõ hơn nhé)
- Trường hợp đối với dịch vụ: Là giá cung ứng dịch vụ của cơ sở kinh doanh (chưa có thuế GTGT, chưa có thuế TTĐB). Ví dụ, giá sử dụng dịch vụ Karaoke trong 1 tiếng là 100k. Số thuế TTĐB cần nộp sẽ bằng 100k * mức thuế suất thuế TTĐB của dịch vụ karaoke.
Trên đây là những nội dung giúp bạn hiểu rõ thuế tiêu thụ đặc biệt là gì cũng như hướng dẫn cách tính thuế TTĐB một cách chi tiết. Hy vọng thông tin trên bổ ích với bạn, hãy theo dõi các bài viết sau nhé!