Thuế suất là gì? Hiện nay có các loại thuế suất nào? Việc ban hành một sắc thuế hay thuế suất là việc không đơn giản và dễ dàng. Mỗi loại thuế suất đều được xây dựng dựa trên các cơ sở cụ thể nhằm mang lại hiệu quả tối ưu nhất. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu được thuế suất là gì cũng như phân loại các thuế suất.
Nội dung bài viết
1. Khái niệm thuế suất là gì?
Thuế suất là con số ấn định một số tiền trích ra từ cơ sở tính thuế, thường được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%). Trong một số trường hợp nó là một con số tuyệt đối nhất định.
Ví dụ cụ thể cho thuế suất được tính bằng tỷ lệ % như trong trường hợp đóng thuế thu nhập cá nhân *(có bảng biểu thuế suất riêng) hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp, hoặc thuế suất thuế giá trị gia tăng là 10%, 5%, 0%,…
Ví dụ cho thuế suất là một con số nhất định như mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với xăng là từ 1000 – 4000 đồng/lít.
2. Cơ sở ban hành thuế suất là gì?
Thuế suất phải đảm bảo dung hòa được lợi ích giữa đối tượng thu thuế và dối tượng nộp thuế. Tức là phải đảm bảo dung hòa sự kết hợp hài hòa giữa nhu cầu ngân sách nhà nước và lợi ích của người chịu thuế. Chính vì vậy, việc ban hành thuế suất cần phải dựa trên các cơ sở nhất định. Cụ thể là:
- Cơ sở kinh tế – xã hội
- Nguồn thu ngân sách
- Các tác động đến mức sống dân cư
- Chính trị, ngoại giao, Hiệp định song phương, đa phương
3. Các loại thuế suất
Thuế suất được chia làm 2 loại là thuế suất tuyệt đối và thuế suất tương đối.
3.1. Thuế suất tuyệt đối
Định nghĩa
Thuế suất tuyệt đối là loại thuế suất được ấn định bằng một con số cố định, tuyệt đối trên một đơn vị của đối tượng tính thuế. Những loại thuế suất tuyệt đối hiện nay có thể thấy ở thuế Bảo vệ môi trường. Các bạn có thể thấy rõ thuế suất là gì tại các phụ lục, danh mục, bảng biểu thuế suất của từng loại hàng hóa được liệt kê.
Ưu điểm
- Tạo được sự rõ ràng, nhất quán, cả cơ quan thu thuế và người nộp thuế đều biết được chính xác số tiền thuế mà mình cần nộp là bao nhiêu. Vì đối với loại thuế suất này, họ không cần quan tâm đến giá của loại hàng hóa dịch vụ mà chỉ cần biết số lượng là bao nhiêu.
- Đảm bảo ổn định được số thuế thu vào ngân sách nhà nước. Do thuế suất được tính dựa trên số lượng nên sẽ hạn chế được các trường hợp cố tình giảm hoặc né tránh thuế. Việc kiểm tra số lượng hàng hóa dịch vụ sẽ dễ hơn là việc kiểm tra tính chính xác của giá hàng hóa, dịch vụ. Lúc này, các cơ quan dễ dàng hơn trong việc kiểm soát thuế.
Nhược điểm
Không theo kịp được giá cả biến động khi xảy ra giảm phát hoặc lạm phát.
3.2. Thuế suất tương đối
Định nghĩa
Thuế suất như thế nào được gọi là thuế suất tương đối? Có thể hiểu thuế suất tương đối là loại thuế suất được quy định có sự thay đổi theo giá trị, đặc điểm riêng của loại hàng hóa. Ví dụ như ở mức thu nhập 12 triệu đồng/ tháng sẽ có mức thuế suất đóng thuế thu nhập cá nhân thấp hơn so với mức thu nhập 50 triệu/ tháng. Thuế suất tương đối được chia làm 3 loại, gồm thuế suất tương đối cố định, lũy tiến và lũy thoái.
- Cố định: Mức thuế suất gia tăng theo sự gia tăng của giá trị tính thuế.
- Lũy thoái: Mức thuế suất giảm theo sự gia tăng của giá trị tính thuế.
- Lũy tiến: gồm lũy tiến toàn phần và từng phần
Ưu điểm
- Số thuế phải nộp có thể thay đổi tùy theo chính sách tính thuế. Điều này tạo sự công bằng đối với mọi người.
Nhược điểm
- Công tác hành thu khó khăn vì phải xác định được chính xác cơ sở tính thuế.
- Đối tượng nộp thuế dễ có cơ hội thực hiện hành vi trốn thuế
4. Chế độ đăng ký, kê khai, nộp và quyết toán thuế
Đăng ký => Kê khai => Nộp => Quyết toán
4.1. Đăng ký thuế
Đăng ký thuế là việc người nộp thuế thông báo với cơ quan cơ quan thuế biết được người nộp thuế đang tiến hành những hoạt động, thực hiện hành vi chịu thuế
4.2. Kê khai thuế
Là việc người nộp thuế thông báo cho cơ quan thuế biết về thực tế hoạt động của người nộp thuế và số tiền thuế phát sinh trong một khoảng thời gian nhất định theo pháp luật, thông thường là kỳ tính thuế.
4.3. Nộp thuế
Địa điểm nộp thuế: Thông qua tổ chức được cơ quan quản lý thuế ủy nhiệm thu. Có thể thông qua ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và tổ chức dịch vụ theo quy định của pháp luật.
4.4. Quyết toán thuế
Đây là việc người nộp thuế xác định lại với cơ quan thuế chính xác số tiền thuế mà đối tượng nộp thuế có nghĩa vụ phải nộp vào ngân sách nhà nước trong một khoảng thời gian nhất định. Thường là kết thúc năm tài chính.
Các trường hợp xảy ra khi quyết toán thuế là:
- Nếu số tiền tạm nộp lớn hơn số tiền theo nghĩa vụ phải nộp: Được hoàn thuế
- Nếu số tiền tạm nộp nhỏ hơn số tiền theo nghĩa vụ phải nộp: Truy thu thuế
- Nếu số tiền tạm nộp bằng số tiền theo nghĩa vụ phải nộp: Kết toán sổ sách
Nếu cá nhân hoặc tổ chức xác định mình được hoàn thuế thì cần làm thủ tục xin hoàn thuế và nộp lại cho cơ quan quản lý thuế. Nếu cá nhân hoặc tổ chức không làm thủ tục xin được hoàn thuế thì sẽ được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.
Trên đây là những nội dung liên quan đến thuế suất là gì. Để hiểu hơn về các loại thuế suất riêng biệt, hãy đọc các bài viết tiếp theo của trang nhé!