Theo quy định Điều 86 UNCLOS thì biển cả bao gồm tất cả những vùng biển không nằm trong vùng đặc quyền về kinh tế, lãnh hải hay nội thủy của một quốc gia cũng như không nằm trong vùng nước quần đảo của một quốc gia quần đảo. Điều đó có nghĩa là quy chế pháp lý của biển cả cũng áp dụng cho cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển mà không vi phạm vào các quy định riêng áp dụng cho thềm lục địa và vùng đáy biển quốc tế.
Vì tồn tại một cách khách quan và không thuộc sở hữu của bất kỳ quốc gia nào nên quy chế pháp lý của Biển cả là quy chế tự do. Tức là, biển cả được để ngỏ cho tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển. Quyền tự do trên biển cả được thực hiện trong những điều kiện do các quy định của Công ước hay và những quy tắc khác của pháp luật quốc tế trù định.
Nguyên tắc Tự do biển cả là nguyên tắc cổ điển và cơ bản của luật quốc tế. Nguyên tắc này được phát triển từ học thuyết Tự do biển cả của Hugo Grotius (người Hà Lan) đã phát triển trong tác phẩm “Biển mở – Mare Liberum” năm 1609. Đến năm 1982, học thuyết này đã được cụ thể hóa thông qua Điều 87 UNCLOS 1982:
“ĐIỀU 87. Tự do trên biển cả
1. Biển cả được để ngỏ cho tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển. Quyền tự do trên biển cả được thực hiện trong những điều kiện do các quy định của Công ước hay và những quy tắc khác của pháp luật quốc tế trù định. Đối với các quốc gia dù có biển hay không có biển, quyền tự do này đặc biệt bao gồm:
a) Tự do hàng hải;
b) Tự do hàng không;
c) Tự do đặt các dây cáp hoặc ống dẫn ngầm với điều kiện tuân thủ Phần VI;
d) Tự do xây dựng các đảo nhân tạo hoặc các thiết bị khác được pháp luật quốc tế cho phép, với điều kiện tuân thủ phần VI;
e) Tự do đánh bắt hải sản trong các điều đã được nêu ở Mục 2;
f) Tự do nghiên cứu khoa học với các điều kiện tuân thủ các Phần VI và VIII.
2. Mỗi quốc gia khi thực hiện các quyền tự do này phải tính đến lợi ích của việc thực hiện tự do trên biển cả của các quốc gia khác, cũng như đến các quyền được Công ước thừa nhận liên quan đến các hoạt động trong Vùng.”
Trên biển cả các quốc gia đều có quyền tự do trong phạm vi trù định và tiên quyết là phải được sử dụng vào mục đích hòa bình theo Điều 88 UNCLOS. Tuy nhiên, ở Điều 88 cũng không cấm các hoạt động quân sự nói chung trên biển cả, ví dụ như tập trận hay thử vũ khí, trong chừng mừng các hoạt động này phù hợp với các quy định của luật quốc tế, bao gồm nguyên tắc cấm sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực.
Trên biển cả, tất cả các quốc gia đều có các quyền tự do biển cả, nhưng việc thực hiện các quyền đó cần tuân thủ “các điều kiện theo quy định của Công ước này và các quy định khác của luật quốc tế.”. Ví dụ như:
- Tự do hàng hải cần tuân thủ các quy định về an toàn hàng hải trong tập quán quốc tế hay các công ước của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO);
- Tự do hàng không cần tuân thủ các quy định về an toàn hàng không trong tập quán quốc tế hay các công ước của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) ;
- Tự do lắp đặt cáp và ống ngầm theo quy định liên quan ở Điều 79 Phần VI về thềm lục địa; tự do xây dựng các đảo và công trình nhân tạo phải tuân thủ các quy định liên quan ở Điều 80 Phần VI về thềm lục địa;
- Tự do đánh bắt cá tuân theo quy định cụ thể của Mục 2 Phần VII;
- Tự do nghiên cứu khoa học thì tuân thủ các quy định tại Phần VI về thềm lục địa và Phần XIII về nghiên cứu không học.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 87 đặt ra nghĩa vụ chung cho tất cả các quốc gia có hoạt động trên biển cả là nghĩa vụ xem xét thích đáng (obligation of due regard). Nghĩa vụ này nhằm bảo đảm các quốc gia có thể thực hiện các tự do biển cả mang lại lợi ích cho mình mà không xâm phạm quá đáng vào lợi ích của các bên khác. Điều đó có nghĩa là nghĩa vụ này buộc các quốc gia phải cân bằng lợi ích của mình với lợi ích của quốc gia khác và lợi ích của cộng đồng quốc tế ở vùng đáy biển quốc tế.
Theo Điều 87, biển cả là vùng biển tự do để ngỏ cho tất cả các quốc gia. Không một quốc gia nào được phép yêu sách chủ quyền đối với bất kỳ vùng biển nào thuộc biển cả. Trên biển cả, các quốc gia được hưởng sáu tự do cơ bản:
- Tự do hàng hải: Đây là quyền tự do đi lại trên biển cả và thẩm quyền tài phán đối với tàu thuyền khi hoạt động trên biển cả. Tàu thuyền của một nước nhất định không phải chịu sự tài phán của một quốc gia khác, trừ quốc gia mà tàu mang quốc tịch khi hoạt động trên biển cả.
- Tự do hàng không: Theo nguyên tắc này, trong vùng trời quốc tế, các phương tiện bay của tất cả các quốc gia đều có quyền tự do hàng không. Đồng thời, khi hoạt động ở vùng trời quốc tế, phương tiện bay chỉ chịu thẩm quyền tài phán của quốc gia đăng tịch phương tiện bay, phát sinh từ cơ sở pháp lý của nguyên tắc thẩm quyền phương tiện bay.
Tuy nhiên, quyền tự do này cũng có một số hạn chế nhất định như trong thời gian bay trong không phận quốc tế, các phương tiện bay phải chấp hành và tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định, yêu cầu về an ninh hàng không được ghi nhận trong điều ước quốc tế về hàng không cũng như các văn bản do tổ chức hàng không quốc tế ban hành. Ngoài ra, tất cả các quốc gia phải áp dụng các biện pháp an ninh an toàn hàng không cho các phương tiện bay của mình, tuân thủ nghiêm túc các quy định của luật hàng không quốc tế.
- Tự do đặt các dây cáp và ống dẫn ngầm: Các quốc gia khi đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có nghĩa vụ đặc biệt quan tâm đến tình trạng của chúng, không được gây cản trở cho quá trình sửa chữa các dây cáp và ống dẫn ngầm hiện có.
- Tự do đánh bắt hải sản: Trên khu vực biển cả các quốc gia có quyền tự do đánh bắt tài nguyên sinh vật biển, đồng thời có nghĩa vụ bảo tồn và quản lý tài nguyên sinh vật biển. Trừ phần biển cả đã được tính vào vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven bờ.
- Tự do nghiên cứu khoa học phải tuân thủ các quy định tại Phần VI về thềm lục địa và Phần XIII về nghiên cứu khoa học. Công tác nghiên cứu khoa học được tiến hành nhằm vào những mục đích hoàn toàn hòa bình; được tiến hành bằng cách dùng các phương pháp và phương tiện khoa học thích hợp phù hợp với Công ước; không cản trở một cách vô lý những việc sử dụng biển hợp pháp khác phù hợp với Công ước và nó phải được quan tâm đến trong các việc sử dụng này; được tiến hành theo đúng mọi quy định tương ứng được thông qua để thi hành Công ước, kể cả các quy định nhằm bảo vệ và giữ gìn môi trường biển.
- Tự do xây dựng các đảo nhân tạo và các thiết bị khác được pháp luật cho phép quyền tự do xây dựng các đảo và công trình nhân tạo phải tuân thủ các quy định tại Điều 80 Phần VI về thềm lục địa và được dẫn chiếu tới Điều 60. Không được xây dựng những đảo nhân tạo, thiết bị hoặc công trình, không được thiết lập các khu vực an toàn xung quanh các đảo, thiết bị, công trình đó khi việc đó có nguy cơ gây trở ngại cho việc sử dụng các đường hàng hải đã được thừa nhận là thiết yếu cho hàng hải quốc tế.
Theo UNCLOS Biển cả là được để ngỏ cho tất cả các quốc gia dù có biển hay không có biển, điều này có nghĩa là các quốc gia có những quyền tự do trong sử dụng biển cũng như hưởng lợi ích từ biển cả. Bên cạnh các quyền được quy định cụ thể trong Điều 87, các quốc gia có thể tự do trên biển cả, tuy nhiên việc tự do này được thực hiện trong khuôn khổ quy định của Luật biển quốc tế chứ không phải là sự tự do không có hạn chế hoặc tùy tiện sử dụng biển cả.