Nội dung bài viết
1. Người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam được quy định ở những Luật nào?
Vấn đề về người nước ngoài có nhu cầu muốn mua nhà ở tại Việt Nam là một vấn đề không hề hiếm hiện nay. Có thể nói, nhu cầu mua nhà ở tại Việt Nam ngày nay ngày càng nhiều. Chính vì vậy, những điều kiện, những thủ tục xoay quanh nội dung này đang rất được quan tâm.
Nhà ở hay đất đai là loại tài sản mang tính chất rất đặc biệt và được quy định rất cụ thể, chặt chẽ. Tuy nhiên, các quy định về vấn đề này được quy định tại nhiều Bộ Luật khác nhau và cũng có rất nhiều nghị định hướng dẫn. Điều này cũng gây khó khăn rất nhiều trong việc tìm hiểu cho người nước ngoài khi muốn mua nhà tại Việt Nam. Trong khi bản thân một người Việt Nam đôi khi cũng không thể nắm rõ hết các quy định liên quan.
Vậy cụ thể, khi tìm hiểu về việc làm thế nào để người nước ngoài mua được nhà ở hay sở hữu được bao lâu thì cần phải xem những quy định nào ở Bộ Luật nào?
- Đầu tiên, chúng ta cần có Luật Nhà ở 2014
- Tiếp theo là Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật nhà ở
- Cuối cùng là Luật Đất đai 2013
Ngoài ra, tùy theo từng trường hợp cụ thể thì có thể sẽ áp dụng thêm một số quy định tại các luật có liên quan khác. Và để hiểu rõ hơn trong từng trường hợp cần áp dụng những quy định nào thì các bạn hãy đọc phần tiếp theo nhé.
2. Điều kiện để người nước ngoài có thể mua nhà ở tại Việt Nam là gì?
Nhu cầu người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam không chỉ dừng lại ở nhu cầu của cá nhân mà còn có các tổ chức vì các mục đích như kinh doanh mà cần phải mua nhà tại Việt Nam. Chính vì vậy, khi nói đến điều kiện để mua nhà tại Việt Nam, cần phải xét điều kiện riêng biệt cho cá nhân và tổ chức. Cụ thể như sau:
2.1. Đối với cá nhân muốn mua nhà tại Việt Nam
- Cá nhân phải có hộ chiếu còn giá trị sử dụng, có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh của Việt Nam.
- Cá nhân đó không được thuộc diện được hưởng ưu đãi miễn trừ, ngoại giao.
2.2. Đối với tổ chức nước ngoài muốn mua nhà tại Việt Nam
Để mua được nhà ở Việt Nam, thì tổ chức đó phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động tại Việt Nam. Các giấy tờ này bắt buộc phải do các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và còn hiệu lực tại thời điểm tổ chức mua nhà, thuê nhà ở.
Những điều kiện trên được quy định cụ thể tại Điều 74 Nghị định 99/2015/NĐ-CP.
3. Những đối tượng nước ngoài được phép mua nhà ở Việt Nam
Không phải bất cứ cá nhân hay tổ chức nước ngoài nào khi đáp ứng đủ các điều kiện được liệt kê ở mục 2 cũng có thể được mua nhà ở Việt Nam. Thay vào đó, các cá nhân, tổ chức nước ngoài đã thỏa mãn điều kiện trên còn phải thuộc 1 trong các đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 159 Luật Nhà ở 2014. Các nhóm đối tượng đó là:
- Thứ nhất, đó là nhóm đối tượng cá nhân, tổ chức nước ngoài đầu tư, xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở và các luật khác có liên quan.
- Thứ 2 là nhóm đối tượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoà, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đâu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
- Thứ 3 là nhóm cá nhân được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
4. Người nước ngoài có thể mua nhà ở Việt Nam loại nào, hình thức gì?
Sau khi đã thỏa mãn đủ các điều kiện và cũng đảm bảo cá nhân, tổ chức nước ngoài thuộc đối tượng được pháp luật Việt Nam cho phép mua nhà ở Việt Nam. Thì cá nhân, tổ chức nước ngoài đã có thể mua nhà ở Việt Nam nhưng chỉ có thể mua được 2 loại nhà ở như sau:
- Chung cư
- Nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở
Và được sở hữu dưới 2 hình thức:
- Do đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam
- Do mua, thuế mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dụng nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, phải trừ khu vực đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Như vậy, có thể nói người nước ngoài có thể mua nhà ở Việt Nam theo hình thức mua, thuê mua, nhận tặng cho hoặc thừa kế hoặc do đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam. Và chỉ có thể mua căn hộ chung cư hoặc nhà ở riêng lẻ theo dự án chứ không được mua nhà ở riêng lẻ tại các khu vực khác.
Có điểm cần lưu ý về hình thức thanh toán tiền thuê mua nhà đối với người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam như sau:
- Người nước ngoài thuê mua nhà phải thanh toán trước cho bên cho thuê mua 20% giá trị nhà ở, trừ trường hợp bên thuê mua có điều kiện thì được thanh toán trước nhưng không vượt quá 50% giá trị nhà ở.
- Về số tiền phải trả còn lại thì được tính thành tiền thuê hằng tháng và phải trả cho bên cho thuê mua trong một thời gian nhất định. Sau khi đã hết thời hạn thuê mua căn nhà đó và người nước ngoài cũng đã trả hết số tiền còn lại thì sẽ được sở hữu căn nhà đó.
5. Người nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam trong bao lâu?
Từ đầu bài viết cho đến đây, chúng ta đã có thể hiểu rằng việc một người nước ngoài có thể sở hữu nhà ở tại Việt Nam là đúng. Tuy nhiên, không phải người nước ngoài đó có thể mua và sở hữu nhà ở đó mãi mãi hoặc có thể tùy ý quyết định việc mua, bán lại cho người khác. Pháp luật nước ta đã có thêm những quy định để hạn chế quyền sở hữu nhà ở lâu dài đối với người nước ngoài. Cụ thể như sau:
- Đối với cá nhân là người nước ngoài: Được phép sở hữu nhà ở theo thời hạn được ghi trong các giao dịch hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng cho, nhận thừa kế nhà ở. Nhưng tuyệt đối không được vượt quá thời hạn là 50 năm kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận. Tuy nhiên, thời gian ở hữu nhà ở này có thể được gia hạn thêm theo các quy định của Chính phủ và được ghi rõ ràng trong Giấy chứng nhận.
- Đối với tổ chức nước ngoài: thời hạn sở hữu nhà ở theo thỏa thuận ghi trong giao dịch hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng cho, nhận thừa kế nhà ở nhưng tối đa không được vượt quá thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư cấp cho tổ chức đó. Bao gồm thời gian được gia hạn thêm. Thời hạn sở hữu nhà ở đối với tổ chức nước ngoài được tính từ ngày được cấp Giấy chứng nhận và được ghi rõ trong Giấy chứng nhận đó.
Và nếu trong thời hạn còn được sở hữu nhà ở như trên mà cá nhân, tổ chức không tặng cho hoặc bán nhà ở này cho các đối tượng thuộc diện được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì căn nhà đó sẽ thuộc về sở hữu của nhà nước.
Trong trường hợp đặc biệt hơn, khi người nước ngoài hay cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam hoặc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì sẽ được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài. Và có các quyền sở hữu nhà ở tương tự như công dân Việt Nam. Như vậy có thể thấy nếu người nước ngoài kết hôn cùng với công dân Việt Nam sẽ dễ mua và sở hữu nhà ở một cách ổn định, lâu dài hơn.
Những điều này được quy định cụ thể tại Điều 161 Luật Nhà ở 2014.
Trên đây là những nội dung có liên quan mà người nước ngoài nên cân nhắc khi muốn mua nhà ở Việt Nam. Hy vọng bạn đọc đã có được những giải đáp chi tiết nhất cho mình.