Học luật sư là gì? Tại sao cần phải học thêm khóa đào tạo nghề sau khi tốt nghiệp cử nhân Luật mới được hành nghề Luật sư? Mục đích của đào tạo nghề luật sư là gì?
Nội dung bài viết
1. Học luật sư là gì?
Học luật sư hay gọi đúng là tham gia khóa đào tạo nghề luật sư do Học viện Tư pháp tổ chức giảng dạy. Đó chính là việc những cá nhân có bằng cử nhân luật trở lên được Học viện Tư pháp đào tạo đạo đức nghề nghiệp luật sư, kiến thức, kỹ năng cơ bản và chuyên sâu của luật sư trong lĩnh vực tư vấn, tranh tụng và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác.
Như vậy, có thể hiểu những cá nhân đã có trình độ cử nhân luật trở lên với mong muốn được hành nghề với tư cách là một Luật sư cần phải học thêm khóa học luật sư để có thể nắm được các kỹ năng cần thiết cho việc hành nghề. Bởi các kiến thức ở các trường đại học chỉ dừng lại ở mức độ hiểu và áp dụng được pháp luật mà thiếu đi các kỹ năng cần thiết khác cho việc hành nghề như tư vấn, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng tranh tụng,…
2. Các điều kiện để được tham gia khóa đào tạo nghề luật sư
Theo Quyết định Ban hành Chương trình chi tiết đào tạo nghề luật sư theo hệ thống tín chỉ ngày 06 tháng 7 năm 2017 của Giám đốc Học viện Tư Pháp số 873/QĐ-HVTP thì các cá nhân có nguyện vọng tham gia khóa đào tạo nghề luật sư cần phải:
- Là cá nhân có trình độ cử nhân luật trở lên. Điều này có nghĩa là các cá nhân phải hoàn thành xong chương trình đào tạo luật tại các cơ sở đào tạo luật và được cấp bằng cử nhân.
- Cá nhân phải thi tuyển hoặc xét tuyển.
3. Tại sao tham gia khóa đào tạo nghề luật sư là một điều kiện để trở thành luật sư?
Là một điều kiện bắt buộc trong các điều kiện để trở thành luật sư, việc học luật sư hay tham gia khóa đào tạo nghề luật sư chính là một quá trình giúp các cá nhân nắm vững hơn nữa về các kiến thức, kỹ năng và rèn luyện đủ các phẩm chất cần thiết.
Bên cạnh đó, khi hành nghề luật sư đòi hỏi các cá nhân không chỉ nắm vững kiến thức luật mà còn phải có khả năng tư vấn, thuyết phục và giải quyết các tranh chấp. Chính vì vậy, học luật sư trở thành một điều kiện bắt buộc đối với những ai muốn hành nghề luật sư.
4. Chương trình đào tạo nghề luật sư gồm những gì?
Khi học luật sư, sẽ có 2 khối kiến thức, một là khối kiến thức bắt buộc và hai là khối kiến thức tự chọn. Trong cả chương trình đào tạo nghề luật sư bao gồm 39 tín chỉ tất cả, trong đó khối kiến thức bắt buộc chiếm phần lớn với 31 tín chỉ, còn lại 8 tín chỉ dành cho khối kiến thức tự chọn.
4.1. Kiến thức bắt buộc
Khối kiến thức bắt buộc có 5 môn, gồm:
- Luật sư và đạo đức nghề luật sư.
- Kỹ năng cơ bản của luật sư trong lĩnh vực tư vấn pháp luật và giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án.
- Kỹ năng cơ bản của luật sư khi tham gia giải quyết các vụ án hình sự.
- Kỹ năng cơ bản của luật sư khi tham gia giải quyết các vụ, việc dân sự.
- Kỹ năng cơ bản của luật sư khi tham gia giải quyết các vụ việc hành chính.
4.2. Kiến thức tự chọn
Ở khối kiến thức tự chọn, thì học viên có quyền chọn 2 trong tổng số 12 học phần trong 4 nhóm kỹ năng sau:
- Kỹ năng chuyên sâu của luật sư trong lĩnh vực tư vấn pháp luật và giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án gồm 3 học phần.
- Kỹ năng chuyên sâu của luật sư khi tham gia giải quyết các vụ án hình sự gồm 3 học phần
- Kỹ năng chuyên sâu cửa luật sư khi tham gia giải quyết các vụ, việc dân sự gồm 3 học phần.
- Kỹ năng chuyên sâu của luật sư trong giải quyết các vụ việc hành chính gồm 3 học phần.
Học viên có thể lựa chọn bất kỳ một học phần nào trong các kỹ năng trên và chỉ cần chọn 2 học phần là đủ.
5. Về việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo nghề luật sư
Sau 12 tháng tham gia khóa đào tạo, các học viên sẽ phải trải qua kỳ thi đánh giá và được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành việc học luật sư nếu đạt tiêu chuẩn. Trong trường hợp kết quả đánh giá không đạt, học viên sẽ phải học lại.
Sau bước học luật sư, bạn chưa hoàn toàn trở thành luật sư mà còn phải tiếp tục vượt qua 2 chặng đường nữa chính là thực tập tại các văn phòng luật và tham gia đoàn luật sư. Hãy cố gắng bước tiếp và thành công trên con đường đã chọn. Chúc các bạn thành công!