Một vấn đề rất đáng quan tâm không chỉ là việc có nên học ngành luật kinh tế hay không mà còn học luật kinh tế ra làm gì? Bởi suy cho cùng, việc học ngành gì thì kết quả vẫn là việc áp dụng nó vào thực tiễn và mang lại lợi ích thực tế cho bản thân. Mỗi một bạn nên tìm hiểu kỹ để định hướng thật tốt cho tương lai của bản thân. Và bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về luật kinh tế cũng như học luật kinh tế ra trường làm gì?
Nội dung bài viết
1. Luật kinh tế là gì?
Trước khi biết học luật kinh tế ra làm gì, bạn cần hiểu được luật kinh tế là gì. Một khi nắm được khái niệm, đặc điểm và bản chất của luật kinh tế sẽ giúp bạn dễ dàng định hướng hơn trong việc xác định ngành nghề tương lai.
Luật kinh tế là tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật nhằm mục đích thừa nhận, điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong tất cả các quá trình từ tổ chức, hoạt động sản xuất và quản lý, hoạt động kinh doanh. Các quy phạm pháp luật này nằm ở nhiều Bộ Luật khác nhau với phạm vi điều chỉnh khác nhau. Cụ thể là Bộ Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ,… Do đó, khi nói học luật kinh tế có nghĩa với việc bạn sẽ được học rất nhiều luật khác nhau chứ không phải 1 cuốn luật có tên kinh tế.
Có 2 loại quan hệ xã hội phát sinh ở đây là quan hệ giữa các doanh nghiệp với nhau và quan hệ giữ các doanh nghiệp với nhà nước.
Ở mối quan hệ phát sinh giữa nhà nước và các doanh nghiệp, luật kinh tế được ban hành để nhà nước có thể nắm được hoạt động của các doanh nghiệp, quản lý và góp phần ổn định nền kinh tế. Điều này được thể hiện qua từng văn bản cụ thể, ví dụ như luật đầu tư sẽ quy định hạn chế các chủ thể cũng như các ngành nghề không được đầu tư, hoặc có những ngành nghề khi kinh doanh bắt buộc phải đảm bảo đủ điều kiện riêng biệt.
Ở quan hệ phát sinh giữa các chủ thể là các doanh nghiệp với nhau có thể là mối quan hệ hợp tác dựa trên hợp đồng hoặc cũng có thể là mối quan hệ cạnh tranh,… Nhằm mục đích giảm thiểu các rủi ro phát sinh cũng như các tranh chấp xảy ra, luật kinh tế đã được ban hành.
2. Review ngành luật kinh tế
Hiện nay khi ngành kinh tế đang ngày một phát triển, mặt khác khi mọi hoạt động của doanh nghiệp đều được đặt dưới sự quản lý, kiểm soát của pháp luật thì nhu cầu tư vấn về mảng luật pháp đang được các chủ doanh nghiệp hết sức quan tâm. Bởi không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ đúng theo pháp luật, khi có được sự tư vấn từ các luật sư giỏi, các doanh nghiệp cũng dễ dàng có được nhiều lợi ích hơn. Nhờ những lý do đó, luật kinh tế đang là một trong những ngành hot nhất hiện nay thu hút các bạn trẻ.
Và dưới đây là một số review cũng như một số điều cần biết khi học luật kinh tế.
2.1. Chương trình đào tạo luật kinh tế có gì?
Khi bắt đầu làm quen với ngành luật nói chung và luật kinh tế nói riêng, đầu tiên bất kỳ một cơ sở đào tạo nào cũng sẽ trang bị cho sinh viên đủ các kiến thức chung về lý luận, các kiến thức nền tảng. Sau đó sẽ là những môn luật chuyên ngành. Tùy vào từng cơ sở sẽ gọi tên các môn học khác nhau cũng như lịch sắp xếp các môn học khác nhau.
Nhìn chung thì một người học luật kinh tế sẽ phải học đủ hết tất cả các môn dưới đây:
- Pháp luật về chủ thể kinh doanh: Đây là bộ môn giúp sinh viên nắm được đặc điểm của từng loại hình doanh nghiệp, phân biệt được đâu là doanh nghiệp tư nhân và đâu là doanh nghiệp nhà nước. Điểm quan trọng nhất của môn này chính là sinh viên phải phân biệt doanh nghiệp nào có tư cách pháp nhân và doanh nghiệp nào không.
- Luật đầu tư: Luật đầu tư là tổng các quy phạm pháp luật giúp cho cá nhân, tổ chức xác định được những ngành nghề nào mà mình có thể được đầu tư, kinh doanh. Luật này cũng quy định các điều kiện, thủ tục, cách thức xin giấy phép đầu tư, một việc rất quan trọng đối với các doanh nghiệp.
- Luật cạnh tranh: Trong hoạt động kinh doanh, cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi giữa các doanh nghiệp với nhau. Và để bảo vệ người tiêu dùng cũng như để giải quyết, hạn chế các tranh chấp xảy ra, luật cạnh tranh được nhà nước ban hành.
- Luật sở hữu trí tuệ: Mỗi một doanh nghiệp đều có một thương hiệu, nhãn hiệu, logo cùng công thức riêng cần được bảo hộ để tránh việc đối thủ sao chép. Đây là những nội dung được giảng dạy trong môn Luật sở hữu trí tuệ.
- Luật thuế: Thuế luôn là vấn đề nhức nhối ở mỗi doanh nghiệp. Làm thế nào để biết doanh nghiệp cần phải đóng các loại thuế nào, đóng bao nhiêu và phải đóng ở đâu, khi nào? Tất cả những câu hỏi này đều được giải đáp tại môn Luật thuế.
- Luật thương mại: Đây là môn cực kỳ quan trọng đối với các bạn học luật Kinh tế. Khi được học môn này, các bạn sẽ hiểu được địa vị pháp lý của thương nhân và các quy tắc, chuẩn mực trong hoạt động thương mại.
Ngoài ra, còn rất nhiều môn luật khác mà bạn sẽ được học. Tuy nhiên, những môn luật kể trên chính là những môn mà bạn cần học tập trung nhất khi chọn học ngành luật kinh tế.
2.2. Bạn sẽ được gặp gì khi học luật kinh tế?
Thứ nhất, bạn sẽ được gặp những người đồng trang lứa với cùng mục tiêu, hoài bão chính là luật kinh tế khi cùng học chung một giảng đường. Và chắc chắn ở những con người này sẽ có rất nhiều điểm chung với bạn.
Thứ hai, bạn sẽ gặp những thầy cô, giảng viên vô cùng nhiệt huyết, kiến thức uyên thâm cùng tính cách cởi mở. Đây là đặc điểm của những giảng viên dạy luật. Trong khi nhiều người cứ nghĩ rằng người dạy luật chắc hẳn luôn có cặp kính dày cộp với hàng tá quyển luật trên tay thì những thầy cô dạy luật thực sự sẽ cho bạn thấy sự cởi mở, thú vị của luật là gì.
Thứ ba, khác với những kiến thức cấp 2,3 xa tận chân trời thì những kiến thức về luật luôn gắn bó mật thiết với đời sống hằng ngày. Mỗi một quy định đều có liên quan đến các hoạt động hằng ngày, chính vì vậy những tiết học luôn hết sức sống động và thực tế.
Thứ tư, khả năng tư duy của bạn sẽ phát triển một cách vượt bậc sau khi học luật kinh tế. Sau khi được học về những cách tư duy về luật, về kinh tế, đầu óc của bạn sẽ trở nên nhạy bén vô cùng.
3. Học luật kinh tế ra làm gì?
Quay trở lại với nội dung chính của bài viết, vậy thì học luật kinh tế ra làm gì? Tại sao nó lại hot như vậy? Phải chăng nó mang lại cho người học luật một mức lương, nguồn thu nhập cao chót vót?
Đầu tiên chúng ta cùng liệt kê một vài vị trí cùng mức lương trung bình mà các sinh viên học luật kinh tế có thể làm là:
3.1. Chuyên viên pháp lý
Chuyên viên pháp lý hay chuyên viên pháp chế là người đại diện cho doanh nghiệp để thực hiện hoặc giải quyết các vấn đề liên quan đến pháp luật. Đây là người sẽ đảm nhiệm các nhiệm vụ liên quan đến hợp đồng hoặc các hoạt động pháp lý của doanh nghiệp. Ngoài ra, khi công ty có bất kỳ một vấn đề cần tư vấn về pháp lý thì họ cũng sẽ đưa ra các phương án giải quyết.
Mỗi một doanh nghiệp tùy vào quy mô mà có thể có từ 1 đến nhiều chuyên viên pháp chế. Mức lương của vị trí này dao động từ 15 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng trên tháng. Có thể thấy, đây là mức lương tương đối cao so với các vị trí khác. Tuy nhiên, so với mức lương này cũng đòi hỏi chuyên viên ấy phải có kiến thức và kinh nghiệm vững vàng, am hiểu trên nhiều lĩnh vực và có trách nhiệm cao.
3.2. Chuyên viên tư vấn tại các văn phòng luật
Nếu bạn không muốn làm nhân viên pháp chế tại các doanh nghiệp thì cũng có thể xin việc tại các văn phòng hành nghề luật. Ưu điểm của việc này chính là bạn có thể được đào tạo riêng một chuyên môn về lĩnh vực kinh tế nếu muốn. Vì trong văn phòng lớn thường sẽ chia ra thành từng lĩnh vực riêng và giao cho từng người hoặc nhóm phụ trách.
Mức lương cho vị trí này sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố như kinh nghiệm, hiệu quả công việc, quy mô của văn phòng,… Tuy nhiên, mức lương trung bình sẽ dao động từ 8.000.000 đồng cho đến vài chục triệu đồng.
3.3. Mở văn phòng luật sư của riêng mình
Sau khi tốt nghiệp cử nhân luật và đáp ứng đủ các điều kiện để trở thành luật sư, bạn hoàn toàn có thể tự mình mở một văn phòng luật của riêng bạn. Tuy nhiên, để có thể mở văn phòng luật riêng, bạn cần có kỹ năng hành nghề vững chắc và mối quan hệ rộng.
3.4. Làm giảng viên tại các trường đại học kinh tế và luật
Nếu bạn đam mê những quy định, những con số liên quan đến kinh tế nhưng lại không muốn trở thành luật sư thì bạn cũng có thể học tiếp lên trình độ thạc sỹ để đứng lớp tại các giảng đường. Nhu cầu giảng viên luật hiện nay cũng rất cao, đòi hỏi nguồn giảng viên có chất lượng lúc nào cũng có. Bạn có thể xem xét vị trí này để định hướng cho mình tốt hơn nhé!
Trên đây là những chia sẻ về vấn đề học luật ra làm gì? Hy vọng sau khi đọc xong bài viết này, các bạn đã có được định hướng cho mình. Chúc các bạn thành công!