Quy định về chế độ nghỉ thai sản cho chồng khi có vợ sinh con

chế độ nghỉ thai sản cho chồng

Những quy định liên quan đến chế độ thai sản nói chung và chế độ thai sản cho chồng nói riêng được thể hiện trong Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH. Tại sao pháp luật lại quy định chế độ thai sản dành cho chồng trong khi người vợ với chính là người mang thai và sinh con?

Sinh nở là một vấn đề hết sức đặc biệt không chỉ dành riêng cho phụ nữ. Ở vị trí của người chồng, họ cũng cần sẻ chia, đồng hành cùng vợ suốt chặng đường này. Ở giai đoạn này, vai trò của người chồng rất quan trọng, sự có mặt của họ sẽ giúp cho người vợ tốt hơn. Chính vì vậy, pháp luật đã quy định riêng chế độ thai sản cho chồng mục đích tạo điều kiện cho người chồng có thời gian chăm sóc, chia sẻ gánh nặng cùng vợ cũng như để đón chào thành viên mới của gia đình.

Vậy cụ thể khi vợ mang thai và sinh con, người chồng sẽ được hưởng chế độ thai sản như thế nào? Chúng ta có thể chia làm 2 trường hợp là người vợ có tham gia BHXH và không tham gia BHXH. Nhưng trước tiên, chúng ta cần biết điều kiện để được hưởng chế độ thai sản cho chồng là gì.

chế độ nghỉ thai sản cho chồng
Chế độ nghỉ thai sản của chồng

1. Điều kiện để được hưởng chế độ nghỉ thai sản của chồng

Về điều kiện để được hưởng chế độ, hiện nay có thể thấy pháp luật không quy định quá khắt khe. Theo quy định chi tiết tại điểm e khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, có 2 điều hiện như sau:

  • Có vợ sinh con: tất nhiên để được hưởng chế độ thai sản thì bắt buộc người chồng đó phải có vợ sinh con. Sinh con ở đây bao gồm cả sinh con tự nhiên và phẫu thuật lấy thai.
  • Người chồng đang đóng bảo hiểm xã hội: điều kiện thứ 2 bắt buộc đó chính là người chồng có tham gia và hiện vẫn đang đóng bảo hiểm xã hội.

Tại sao ở điều kiện thứ 2 lại bắt buộc người chồng không chỉ có tham gia mà phải là đang đóng bảo hiểm xã hội? Điều này sẽ được lý giải ở phần giải thích chế độ thai sản cho chồng khi có vợ sinh con.

2. Chế độ nghỉ thai sản cho chồng có vợ tham gia bảo hiểm xã hội

Đối với trường hợp người vợ có hay không có tham gia bảo hiểm xã hội thì chế độ hưởng thai sản của người chồng có sự khác nhau. Sự khác nhau ở mức tiền được hưởng cũng như trợ cấp. Riêng đối với chế độ nghỉ thì giống nhau.

chế độ nghỉ thai sản cho chồng
Chế độ được hưởng thai sản dành cho chồng

Chế độ hưởng của người chồng chính là việc được nghỉ làm việc trong những ngày nhất định tùy hoàn cảnh cụ thể và được hưởng 1 khoản tiền do BHXH chi trả để bù đắp lại khoản tiền lương trong những ngày nghỉ làm trên. Số ngày được nghỉ như sau:

  • Thông thường, chồng được nghỉ 05 ngày làm việc khi vợ sinh con.
  • Nếu vợ sinh con theo cách là phẫu thuật lấy thai hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi thì được nghỉ 07 ngày làm việc.
  • Nếu vợ sinh đôi sẽ được nghỉ 10 ngày làm việc, nếu sinh ba trở lên thì cứ mỗi bé sẽ được nghỉ thêm 03 ngày. Ví dụ, vợ sinh 3 thì chồng được nghỉ 13 ngày; vợ sinh tư thì chồng được nghỉ 16 ngày,…
  • Nếu vợ sinh đôi mà phẫu thuật thì chồng được nghỉ 14 ngày làm việc.

Những điều này được liệt kê cụ thể tại khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Bạn có thể thấy, ở mỗi quy định đều kéo dài thời gian nghỉ của người chồng nếu người vợ sinh con đặc biệt. Như sinh đôi, sinh ba hay phải phẫu thuật,… vì lúc này người vợ cần sự chăm sóc của chồng lâu hơn bình thường.

Có 3 điều mà bạn cần lưu ý ở đây, chính là:

  • Thời gian mà được nghỉ tính bằng ngày làm việc, có nghĩa là nếu có ngày nghỉ lễ, ngày cuối tuần thì sẽ không tính. Ví dụ, vợ bạn sinh con vào ngày thứ 5 (giả sử vợ bạn sinh thường, sinh 1 bé, công ty bạn không làm việc vào thứ 7 và chủ nhật) thì bạn sẽ được nghỉ 5 ngày từ thứ 5 cho đến hết ngày thứ 4 tuần tiếp theo.
  • Trong những ngày nghỉ làm này, công ty sẽ không tính lương. Công ty chỉ cho phép bạn được nghỉ làm việc chứ không có nghĩa vụ phải trả lương cho những ngày bạn đã nghỉ.
  • Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày vợ sinh con, người chồng có thể xin nghỉ theo số ngày đã nói ở trên. Có thể xin nghỉ vào các ngày khác nhau chứ không nhất thiết phải liên tục hay ngay ngày vợ vừa mới sinh.

3. Cách tính tiền thai sản cho chồng

Như vậy, có thể thấy khi vợ sinh con, người chồng được nghỉ làm việc và không được công ty tính lương. Nhưng thay vào đó, Bảo hiểm xã hội sẽ trả một khoản tiền thai sản cho chồng. Mức hưởng này được quy định tại Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, công thức cụ thể:

Số tiền thai sản được hưởng = Tiền lương bình quân đóng BHXH 6 tháng gần nhất /24 * Số ngày nghỉ làm việc

Trong đó, tiền lương bình quân đóng BHXH 06 tháng gần nhất là mức tiền lương trung bình trong 6 tháng gần nhất mà người chồng được công ty đóng BHXH cho. Cần phải nắm rõ về mức tiền lương cơ sở đóng BHXH vì hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp chỉ đóng BHXH cho người lao động theo mức lương cơ bản. Trong khi lương thực nhận của người lao động đôi khi là gấp đôi mức lương cơ bản.

chế độ nghỉ thai sản cho chồng
Cách tính tiền thai sản cho chồng

Ví dụ như sau: Anh A làm việc tại công ty X được 8 tháng, với mức lương cơ sở đóng BHXH là 10 triệu đồng/tháng. Lương của anh A không thay đổi trong 8 tháng làm việc. Đến tháng thứ 8 này, vợ anh A (có tham BHXH) sinh đôi theo phương pháp tự nhiên.

Xét theo các trường hợp được nghỉ ở mục 1 thì anh A sẽ được nghỉ tổng cộng 10 ngày làm việc. Lúc này, mức tiền thai sản mà anh A sẽ được nhận được tính như sau:

Số tiền thai sản được hưởng = 10 triệu/24 * 10 ngày = 4.166.667 đồng

4. Chế độ nghỉ thai sản cho chồng có vợ KHÔNG tham gia bảo hiểm xã hội

Ở trường hợp người vợ không tham gia bảo hiểm xã hội, người chồng vẫn được nghỉ làm việc với thời gian tương tự như ở trường hợp vợ có tham gia BHXH như đã nói ở trên. Điểm cần lưu ý ở trường hợp này đó chính là các khoản tiền được hưởng của người chồng.

Ở trường hợp người vợ có tham gia bảo hiểm xã hội, chồng chỉ được hưởng khoản tiền gọi là bù đắp cho những ngày nghỉ làm việc không được doanh nghiệp chi trả lương. Nhưng đối với trường hợp người vợ sinh con không tham gia bảo hiểm xã hội, người chồng còn được nhận thêm 1 khoản trợ cấp khác 1 lần. Mức trợ cấp này bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh cho mỗi con.

Mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 triệu đồng/tháng. Nếu vợ sinh đôi, mức hưởng sẽ là 1.490.000*2 = 2.980.000 đồng. Người chồng chỉ được nhận 1 lần duy nhất cho một lần vợ sinh con.

Lấy ví dụ tương tự như lúc nãy nhưng lần này, vợ của anh A không tham gia bảo hiểm xã hội. Vậy số tiền mà anh A được nhận thêm sau khoản 4.166.667 đồng sẽ là 1.490.000*2 = 2.980.000 đồng.

chế độ nghỉ thai sản cho chồng
Chế độ thai sản cho chồng khi vợ không tham gia BHXH

5. Những trường hợp đặc biệt chồng được nghỉ chế độ thai sản dài hơn

  • Nếu cả vợ và chồng đều tham gia BHXH mà người vợ mất sau khi sinh con thì chồng được nghỉ hưởng chế độ thai sản hết thời gian còn lại của vợ. Ví dụ vợ xin nghỉ trước 1 tháng để nghỉ dưỡng, thì người chồng được nghỉ hưởng chế độ thai sản hết 5 tháng còn lại của vợ. (Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản của phụ nữ là 06 tháng)
  • Nếu vợ chết hoặc gặp rủi ro sau sinh, không đủ sức khỏe để chăm sóc bé mới sinh theo xác nhân của cơ sở khám, chữa bệnh thì chồng sẽ được nghỉ hưởng chế độ thai sản cho đến khi con được 6 tháng tuổi.
  • Nếu vợ tham gia BHXH nhưng không đảm bảo thời gian đóng mà chết thì chồng cũng được nghỉ hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.

Ngoài những trường hợp liệt kê trên, nếu người chồng đang tham gia BHXH mà vợ chết sau sinh vẫn đi làm việc thì ngoài tiền lương, người chồng vẫn được hưởng chế độ thai sản còn lại của người vợ.

6. Chồng cần chuẩn bị giấy tờ gì để được hưởng chế độ nghỉ thai sản?

Về thủ tục để người chồng có vợ sinh con được hưởng chế độ nghỉ thai sản rất đơn giản. Theo quy định tại khoản 4 Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động nam (chồng) chỉ cần có:

  • Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh của con.
  • Giấy xác nhận của cơ sở y tế đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.

Theo quy định tại Điều 102 của Luật này cũng quy định rằng trong vòng 45 ngày kể từ khi quay trở lại làm việc thì người chồng cần nộp đủ các loại giấy tờ trên cho công ty của mình. Sau đó, công ty sẽ có trách nhiệm lập hồ sơ và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Cuối cùng, trong vòng 10 ngày thì cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ giải quyết và chi trả khoản tiền thai sản cho chồng có vợ sinh con.

Trên đây là những quy định liên quan đến chế độ hưởng thai sản cho chồng khi vợ sinh con. Hy vọng bạn đã nắm đủ và rõ ràng những chế độ mà mình sẽ được hưởng nếu vợ sinh con.