Thừa kế là việc dịch chuyển khối tài sản của người đã mất sang người còn sống theo quy định của pháp luật. Có hai cách chia thừa kế, thứ nhất nếu người mất để lại di chúc thì chia theo di chúc và cách thứ hai là chia theo pháp luật. Hôm nay, trithucluat.com sẽ trình bày về cách chia thứ nhất thừa kế theo di chúc nhé!
Nội dung bài viết
1. Thừa kế theo di chúc là gì?
Để có thể hiểu thừa kế theo di chúc thì trước tiên cần biết di chúc có nghĩa là gì?
Theo như quy định tại Bộ luật dân sự 2015 thì có thể hiểu di chúc là ý chí của người để lại di sản mong muốn để lại tài sản của mình cho những người được thể hiện trong di chúc. Di chúc có thể được thể hiện dưới hình thức văn bản hoặc được nói bằng miệng có người làm chứng nhằm thể hiện mong muốn giao lại khối tài sản của mình có người khác sau khi chết.
Vậy nên thừa kế theo di chúc là chia và chuyển giao khối tài sản theo ý chí, nguyện vọng của người đã mất cho những người nằm trong danh sách được hưởng tài sản nêu trong di chúc.
2. Những ai chia thừa kế theo di chúc?
Những ai được thừa kế di sản theo di chúc? Tất nhiên khi người để lại di sản thể hiện ý chí mong muốn để lại di sản cho ai thì người đó sẽ được hưởng tài sản thừa kế. Điều này chắc chắn ai cũng biết, tuy nhiên, pháp luật nước ta lại có quy định khác liên quan đến đối tượng được nhận thừa kế theo di chúc mà có thể nhiều người không biết. Đó chính là những đối tượng thuộc quy định tại Điều 644 của BLDS 2015, bao gồm:
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng
- Con thành niên mà không có khả năng lao động
Ở những đối tượng này, họ sẽ được hưởng phần tài sản bằng ⅔ suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu được chia theo pháp luật. Trong trường hợp người đó không được người lập di chúc thể hiện ý chí để lại cho hoặc chỉ để lại phần tài sản ít hơn ⅔ suất như trên.
3. Khi nào di chúc có hiệu lực?
Thời gian hưởng di chúc là khi người để lại di chúc mất, đây là thời điểm di chúc có hiệu lực. Bên cạnh đó di chúc phải đúng với quy định của pháp luật và có hiệu lực thì mới có thể áp dụng việc thừa kế theo di chúc.
Để có thể hiểu di chúc đúng theo quy định của pháp luật mọi người có thể tham khảo thêm tại chương XXII của Bộ luật dân sự 2015 quy định rõ cả về di chúc viết tay và di chúc miệng.
4. Cách chia thừa kế theo di chúc
Có 2 trường hợp để chia tài sản thừa kế theo di chúc.
- Trường hợp người lập di chúc thể hiện mong muốn của mình và định đoạt từng phần tài sản cho từng người cụ thể thì di chúc sẽ được chia theo đúng ý chí của người mất.
- Trường hợp người để lại di chúc chỉ để lại di chúc với mong muốn để lại tài sản cho một số người nhưng không nói rõ mỗi người được hưởng bao nhiêu. Thì tài sản thừa kế sẽ được chia đều cho tất cả những ai có tên trong di chúc.
Ngoài ra đối với trường hợp được quy định tại Điều 644 Bộ luật dân sự 2015 đã được nêu ở mục 3 thì cách chia sẽ như sau:
Ví dụ: Ông A có vợ là bà B và 2 con là C và D. Vào ngày 14/07/2021 ông A mất để lại di sản có giá trị là 500 triệu đồng và có lập di chúc trong đó nội dung của di chúc thể hiện ý chí ông A muốn để lại tài sản của mình cho 2 con là C và D. Khối tài sản sẽ được chia đều nếu ông A mất.
Giả sử, di chúc của ông A được lập hợp pháp thì việc chia di sản như sau: Theo như Điều 644 BLDS 2015 quy định thì bà B sẽ được hưởng suất thừa kế bằng ⅔ suất thừa kế so với 1 phần thừa kế theo pháp luật.
Trong tình huống này, nếu di sản được chia theo pháp luật thì sẽ có 3 người được hưởng thừa kế là bà B, 2 người con C, D. Mỗi người được hưởng 1 phần bằng nhau là 500 triệu/3= 166.666.667 đồng. Vậy bà B được hưởng suất thừa kế bằng ⅔ của 166.666.667 đồng là 111.111.111 đồng.
Sau khi đã chia cho bà B một khoản bằng ⅔ suất so với suất thừa kế theo pháp luât, phần di sản còn lại là 500.000.000 đồng – 111.111.111 đồng = 388.888.889 đồng sẽ được chia đôi cho C và D. Mỗi người sẽ được hưởng 194.444.444 đồng.
5. Thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài
5.1. Thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài là gì?
Có thể hiểu thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài có nghĩa là dịch chuyển khối tài sản của người mất cho người còn sống theo ý chí của người lập di chúc. Trong đó thì người lập di chúc hoặc người thừa kế là người nước ngoài hoặc tài sản được thừa kế đang ở nước ngoài.
Hay nói chi tiết hơn, các trường hợp thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài bao gồm:
- Người để lại tài sản là người nước ngoài hoặc sống và định cư tại nước ngoài.
- Người thừa kế tài sản là người nước ngoài hoặc sống và định cư tại nước ngoài.
- Tài sản nằm ở nước ngoài.
5.2. Thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài như thế nào?
Căn cứ theo Điều 680 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
“Điều 680. Thừa kế
1. Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.
2. Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.”
Ngoài ra Điều 681 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định rõ hơn và cụ thể như sau:
- Năng lực lập di chúc, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc được xác định theo pháp luật của nước mà người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc.
- Hình thức của di chúc được xác định theo pháp luật của nước nơi di chúc được lập. Hình thức của di chúc cũng được công nhận tại Việt Nam nếu phù hợp với pháp luật của một trong các nước sau đây:
- Nước nơi người lập di chúc cư trú tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;
- Nước nơi người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;
- Nước nơi có bất động sản nếu di sản thừa kế là bất động sản.
Tóm lại, có thể hiểu cách xác định tính hợp pháp cũng như cách thừa kế di sản sẽ được áp dụng theo pháp luật của quốc gia mà di chúc được lập hoặc quốc gia mà người lập di chúc có quốc tịch ngay trước khi mất. Riêng đối với việc thừa kế bất động sản sẽ được áp dụng theo pháp luật của quốc gia nơi có bất động sản.
Với những nội dung mà Tri thức Luật chia sẻ, hy vọng bạn đọc đã hiểu được thừa kế theo di chúc là gì và cách chia thừa kế theo di chúc theo pháp luật hiện hành. Đọc thêm nhiều bài viết hữu ích khác bên dưới nhé!