Chắc hẳn rằng khi tham gia giao thông đường bộ, bất cứ ai cũng sẽ có một lần vi phạm một số lỗi, đặc biệt trong số đó vượt đèn đỏ có lẽ là lỗi sai phạm phổ biến nhất. Thế thì khi các phương tiện vượt đèn đỏ sẽ có mức phạt như thế nào? Bài viết sau đây, trithucluat.com sẽ trình bày một số quy định giúp làm rõ thắc mắc vượt đèn đỏ phạt bao nhiêu tiền.
Nội dung bài viết
1. Vượt đèn đỏ phạt bao nhiêu tiền?
Vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng là những lỗi thường bắt gặp đối với những người tham gia giao thông đường bộ. Các phương tiện như xe mô tô, xe ô tô, xe đạp điện,… sẽ có các mức phạt khác nhau và được quy định cụ thể tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Mức phạt khi vượt đèn đỏ thông thường sẽ từ hàng trăm ngàn đồng đến hàng triệu đồng tùy vào loại phương tiện lưu thông trên đường bộ. Trường hợp xe gắn máy vượt đèn đỏ phạt bao nhiêu, xe ô tô vượt đèn đỏ bị phạt bao nhiêu? sẽ được giải đáp chi tiết bên dưới đây.
2. Ô tô vượt đèn đỏ phạt bao nhiêu tiền?
Ngày nay ô tô được xem là phương tiện lưu thông khá phổ biến trên đường bộ và mức phạt tiền đối ô tô khi vượt đèn đỏ được quy định cụ thể tại Điểm a Khoản 5 và Điểm b, c Khoản 11 Điều 5 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP:
“Điều 5. Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
…
5. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;
…
11. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm e khoản 4 Điều này bị tịch thu thiết bị phát tín hiệu ưu tiên lắp đặt sử dụng trái quy định;
b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm đ khoản 2; điểm h, điểm i khoản 3; khoản 4; điểm a, điểm b, điểm d, điểm đ, điểm g, điểm h, điểm i khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
c) Thực hiện hành vi quy định tại điểm c khoản 5; điểm a, điểm b khoản 6; khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng. Thực hiện hành vi quy định tại một trong các điểm, khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng: điểm a, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 1; điểm b, điểm d, điểm g khoản 2; điểm b, điểm g, điểm h, điểm m, điểm n, điểm r, điểm s khoản 3; điểm a, điểm c, điểm e, điểm g, điểm h khoản 4; điểm a, điểm b, điểm e, điểm g, điểm h khoản 5 Điều này;
…“
Mặt khác, tại khoản 4 Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định: “4. Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt. “
Như vậy, nếu bạn điều khiển xe ô tô vượt đèn đỏ thì sẽ bị phạt số tiền là trung bình của 3.000.000 đồng và 5.000.000 đồng là 4.000.000 đồng. Trong trường hợp có tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng cũng sẽ không vượt quá khung tiền phạt trên.
3. Xe máy vượt đèn đỏ phạt bao nhiêu tiền?
Đây được xem là phương tiện chiếm vị trí đầu về số lượng lưu thông trên đường bộ. Nếu xe gắn máy vượt đèn đỏ sẽ phải chịu một mức phạt về tiền, đồng thời còn có thể bị tước bằng lái xe và mức phạt của xe gắn máy khi vượt đèn đỏ được quy định cụ thể tại Điểm e, khoản 4 và Điểm b Khoản 10 Điều 6 theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP:
“Điều 6. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
4. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
…
e) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông
…
10. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b, điểm e, điểm i khoản 3; điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h khoản 4; khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
…”
Tương tự như trường hợp ô tô vượt đèn đỏ, ta vẫn áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính để tính mức tiền phạt cho trường hợp xe máy vượt đèn đỏ. Như vậy, khi người tham gia giao thông điều khiển xe gắn máy mà vượt đèn đỏ sẽ bị phạt số tiền trung bình là 800.000 đồng. Tùy theo có tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ mà mức phạt vẫn có thể dao động theo khung từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
4. Mức phạt theo pháp luật đối với trường hợp vượt đèn đỏ rẽ phải
Vượt đèn đỏ rẽ phải phạt bao nhiêu? Việc vượt đèn đỏ rẽ phải sẽ không bị phạt trong một số trường hợp được quy định tại Thông tư 54/2019/tt-BGTVT, theo đó, người điều khiển xe được phép rẽ phải khi đèn tín hiệu có màu đỏ khi:
- Có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông
- Khi có biển báo phụ cho phép rẽ
- Có đèn báo hiệu ưu tiên màu xanh cho phép rẽ phải được lắp đặt kèm theo.
- Có vạch kẻ đường cho phép
Nếu bạn vượt đèn đỏ rẽ phải nhưng không thuộc 4 trường hợp trên, bạn sẽ bị phạt tiền theo các mức phạt như mục 2,3 ở trên đã đề cập. Điều đó có nghĩa là, tùy thuộc vào loại phương tiện mà bạn điều khiển là gì sẽ phải chịu mức phạt tương ứng.
Với những nội dung trên, mong các bạn sẽ nắm rõ khi vượt đèn đỏ phạt bao nhiêu tiền để có thể thực hiện tốt hơn trong việc tham gia giao thông. Đây cũng là kiến thức hữu ích giúp bạn giải đáp được thắc mắc về các mức phạt mà CSGT áp dụng cho từng hành vi vi phạm luật An toàn giao thông đường bộ.