Một số đề ôn tập môn Luật Cạnh tranh cho sinh viên

đề thi ôn môn luật cạnh tranh

Dưới đây là tổng hợp một số đề ôn thi môn Luật Cạnh tranh dành cho các bạn sinh viên tham khảo. Đề được sưu tầm và tổng hợp từ nhiều nguồn nhằm giúp các bạn củng cố kiến thức hơn.

Phần nhận định

  1. Doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường không được phép thực hiện các hành vi tập trung kinh tế.
  2. Thỏa thuận hạn chế số lượng của một doanh nghiệp sản xuất gạch với một doanh nghiệp sản xuất xi măng và một doanh nghiệp sản xuất tấm lợp là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh chịu sự điều chỉnh của Luật Cạnh tranh 2018.
  3. Sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh của người khác là hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh 2018.
  4. Mọi vụ việc cạnh tranh đều có bên khiếu nại và bên bị điều tra.
  5. Mọi vụ việc cạnh tranh đều phải được xử lý thông qua phiên điều trần.
  6. Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có thẩm quyền giải quyết khiếu nại mọi quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Mọi doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh tự thú tham gia thỏa thuận với cơ quan điều tra đều được hưởng chính sách khoan hồng.
  7. Luật Cạnh tranh 2018 chỉ điều chỉnh các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh khi các bên tham gia thỏa thuận có cùng thị trường liên quan.
  8. Luật Cạnh tranh 2018 chỉ điều chỉnh các hành vi vi phạm luật cạnh tranh khi các hành vi đó thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam.
  9. Sau khi báo cáo điều tra về hành vi hạn chế cạnh tranh, Hội đồng cạnh tranh phải mởi phiên điều trần để xử lý vụ việc.
  10. Bí mật kinh doanh phải là thông tin có liên quan đến thành phần của hàng hóa.
  11. Trong mọi trường hợp, quy định xử lý vụ việc cạnh tranh bị khiếu nại vẫn tiếp tục được thi hành.
  12. Thời hạn tối đa để điều tra một vụ việc cạnh tranh không lành mạnh có thể là 105 ngày.
  13. Khi xác định hành vi cạnh trang không lành mạnh thì không cần xác định giữa doanh nghiệp thực hiện hành vi và doanh nghiệp bị xâm hại có cùng thị trường liên quan hay không.
  14. Thông đồng để một hoặc các doanh nghiệp thắng thầu trong cung ứng hàng hóa dịch vụ là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh không được thực hiện theo pháp luật cạnh tranh.

Lý thuyết

Anh (Chị) hãy phân tích hành vi Lôi kéo khách hàng bất chính bằng hình thức “so sánh hàng hóa dịch vụ của mình với hàng hóa dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung”? Cho ví dụ minh họa.

Bài tập

Bài tập 1: Công ty A là một Công ty chuyên cung cấp trứng gà với sản lượng lớn cho thành phố H. Đầu năm 2019, trong vòng 20 ngày liên tiếp, A đã điều chỉnh tăng giá bán trứng từ 21.500 đồng/hộp lên thành 30.000 đồng/hộp 10 trứng với lý do nhu cầu tăng cao mà cung không thể đáp ứng. Hành vi tăng giá của A làm cho các nhà cung ứng trứng khác trên thị trường cũng điều chỉnh tăng giá theo. Trong khi đó, Sở Công thương thành phố H đã cung cấp những số liệu chứng minh nguồn cung trứng gà cho thành phố H không có dấu hiệu thiếu hụt như Công ty A công bố. Ngay sau công bố của Sở, Công ty A đã điều chỉnh giá bán trở về 21.500 đồng/hộp nhưng doanh nghiệp này bị “tẩy chay” từ khách hàng và nhà phân phối của mình.

Nếu thị phần của Công ty A là 40% trên thị trường liên quan, anh (chị) hãy phân tích các quy định tương ứng của Luật Cạnh tranh 2018 để xác định hành vi của Công ty A có vi phạm pháp luật hay không? Giải thích.

Bài tập 2: Công ty A được thành lập và đi vào hoạt động đúng theo quy định của pháp luật. Sau 7 năm hoạt động, sản lượng bia của công ty trên thị trường chiếm 51%. Đề thực hiện kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, Ban Giám đốc của Công ty đã quyết định thiết lập mạng lưới phân phối độc quyền trên toàn khu vực Đông Nam Bộ bằng cách ký kết các hợp đồng đại lý độc quyền với các nhà hàng, khách sạn ở các khu vực nói trên. Trong hợp đồng này, Công ty yêu cầu các đại lý phải cam kết không được tiêu thụ bất kỳ sản phẩm bia nào khác ngoài những sản phẩm mà Công ty X cung cấp, nếu vi phạm cam kết này, đại lý sẽ bị phạt bằng doanh số mua hàng 02 tháng gần nhất.

Bên cạnh đó, Công ty A còn có một thỏa thuận với Công ty B và Công ty C là không tăng giá sản phẩm bia nếu như không thông báo cho các bên tham gia thỏa thuận. (Biết rằng sản lượng bia của Công ty B và Công ty C trên thị trường lần lượt là 20% và 15%). Vậy, các Công ty A, B, C có vi phạm Luật Cạnh tranh không? Giải thích.

Bài tập 3: Hành vi sau đây có vi phạm Luật Cạnh tranh 2018 hay không? Nếu có sẽ chịu hình thức xử lý và biện pháp khắc phục hậu quả như thế nào?

Công ty TNHH A có trụ sở quận 1 TP.HCM sản xuất bia Laser, Công ty TNHH B (có vốn đầu tư nước ngoài) hoạt động trong khu công nghiệp ở TP.HCM sản xuất bia Tiger, bia Heineken và bán trên phạm vi toàn quốc. Công ty A khiếu nại đến UBCTQG, yêu cầu xử lý công ty B về hành vi hạn chế cạnh tranh theo Luật Cạnh tranh. Theo khiếu nại của Công ty A thì Công ty B có hành vi lạm dụng vị trí thống kĩnh thị trường bia TP.HCM (với thị phần là 50%), để loại bỏ đối thủ cạnh tranh khi ký các hợp đồng đại lý chỉ bán bia và quảng cáo bia của Công ty B trên thị trường TP.HCM làm cho Công ty A không thể phân phối sản phẩm của mình.

Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh sẽ phải điều tra những vấn đề gì để giải quyết khiếu nại của Công ty A? Công ty B có khả năng vi phạm Luật Cạnh tranh không? Tại sao?