Trong môn Luật Tố tụng hình sự hai khái niệm giám đốc thẩm và giám đốc việc xét xử rất dễ bị nhầm lẫn nếu người đọc không chú ý kỹ. Tuy hai cụm từ này khá giống nhau nhưng thực chất lại là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Trong bài viết này sẽ giúp bạn phân biệt được sự khác nhau giữa 2 khái niệm trên.
Nội dung bài viết
1. Khái niệm giám đốc việc xét xử là gì?
Vấn đề “giám đốc việc xét xử” được quy định tại khoản 2 Điều 104 Hiến pháp 2013: “Tòa án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác, trừ trường hợp do luật định.” Và tại Điều 24 Luật Tố Tụng hành chính 2015: “Tòa án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của các Tòa án; Tòa án nhân dân cấp cao giám đốc việc xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Tòa án cấp tỉnh), Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Tòa án cấp huyện) trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ để bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”.
Như vậy, có thể thấy giám đốc việc xét xử đã được ghi nhận tại Hiến pháp – là hệ thống pháp luật cao nhất và được quy định một cách chi tiết, cụ thể hơn tại Luật Tố tụng hành chính. Điều này cho thấy giám đốc việc xét xử là một hoạt động rất quan trọng và cần thiết. Giám đốc việc xét xử là việc mà các Tòa án cấp trên xem xét, giám sát việc xét xử của các Tòa cấp dưới nhằm phát hiện ra những sai sót nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của các cá nhân, tổ chức. Đồng thời cũng là hoạt động nhằm đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật và ghi nhận những vấn đề thực tiễn cần khắc phục, từ đó đúc kết kinh nghiệm cho toàn ngành.
2. Giám đốc việc xét xử và giám đốc thẩm có gì khác nhau?
Để xem xét giữa giám đốc việc xét xử và giám đốc thẩm có sự khác nhau hay không, cần xem qua các quy định của cả hai tại Luật Tố tụng hành chính 2015. Thứ nhất, giám đốc việc xét xử được quy định tại Điều 24 như sau: “Tòa án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của các Tòa án… trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ để bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.” Thứ hai, Giám đốc thẩm được quy định tại Điều 254 có tính chất là việc xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị khi có các căn cứ tại Điều 255 của Luật này. Tại Điều 255, các căn cứ kháng nghị bao gồm: kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án; có sai lầm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng; có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra quyết định, bản án không đúng và các trường hợp này ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.
Như vậy, có thể thấy tuy giám đốc việc xét xử và giám đốc thẩm đều có điểm chung về mục đích chính là việc xem xét lại các bản án, quyết định của các Tòa án cấp dưới nhằm sữa chữa, khắc phục các sai sót để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự và đảm bảo việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Tuy nhiên, vẫn có hai điểm khác nhau giữa giám đốc việc xét xử và giám đốc thẩm.
2.1. Điểm khác nhau thứ nhất
Điểm khác nhau thứ nhất, giám đốc việc xét xử là công việc của Tòa án cấp trên tiến hành kiểm tra việc xét xử của các Tòa cấp dưới xem có sai sót gì hay không từ đó kiểm điểm và rút kinh nghiệm chung cho toàn ngành. (Các cấp trên và dưới được đề cập ở đây là các cấp được quy định tại Điều 24). Trong khi đó, ở giám đốc thẩm thì việc phát hiện ra các sai sót thuộc về nghĩa vụ của các cơ quan có quyền kháng nghị chính là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án nhân dân cấp cao; những bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của các Tòa án khác nếu xét thấy cần thiết và Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ. Sau khi các cơ quan có quyền kháng nghị và làm thủ tục giám đốc thẩm thì chủ thể có thẩm quyền giám đốc thẩm chính là Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao hoặc Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
2.2. Điểm khác nhau thứ 2
Điểm khác nhau thứ hai ở giám đốc thẩm và giám đốc việc xét xử là về điều kiện. Ở giám đốc thẩm, để bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm thì cần phải có đơn kháng nghị của cơ quan có thẩm quyền khi có các căn cứ kháng nghị được quy định tại Điều 255. Theo đó, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà không có các căn cứ để được cơ quan có thẩm quyền làm đơn kháng nghị thì sẽ không được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm. Hay nói cách khác, việc xem xét lại bản án, quyết định ở thủ tục giám đốc thẩm mang tính bị động. Còn ở giám đốc việc xét xử, việc các Tòa án cấp trên xem xét lại sai sót của các Tòa án cấp dưới mang tính chủ động. Tòa án cấp trên có thể xem xét các bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới mà không cần có đơn kháng nghị của cơ quan có thẩm quyền như giám đốc thẩm.
Cuối cùng, cũng có thể hiểu giám đốc thẩm là một quy trình thiết thực hóa của giám đốc việc xét xử. Bởi vì mục đích chung vẫn là việc xem xét lại và sữa chữa các bản án, quyết định để mang lại kết quả phù hợp nhất. Nhưng trên thực tế có rất nhiều các bản án, quyết định nên việc Tòa án cấp trên có thể xem xét hết các bản án, quyết định đó có sai sót hay không là rất khó, việc quy định thủ tục giám đốc thẩm do các cơ quan có thẩm quyền kháng nghị khi thấy có căn cứ để xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm sẽ nâng cao hiệu quả trong việc phát hiện sai sót và khắc phục, sữa chữa nhanh chóng hơn.
Qua những nội dung đã được phân tích, hy vọng bạn đọc đã có được kiến thức luật rõ ràng, đầy đủ ở 2 khái niệm giám đốc việc xét xử và giám đốc thẩm.